VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trump muốn các nước bỏ rào cản phi thuế quan để đàm phán với Mỹ

Trump muốn các nước bỏ rào cản phi thuế quan để đàm phán với Mỹ

12:24 - 10/04/2025

Một số đề nghị bỏ thuế quan đối với hàng Mỹ từ các đối tác đã bị chính quyền Trump từ chối. Nhà Trắng cũng muốn các nước xử lý những vấn đề mà họ xem là rào cản phi thuế quan.

Các chính phủ hy vọng đàm phán về thương mại với Mỹ đã đề nghị bỏ thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ trong những ngày gần đây. Tổng thống Donald Trump nói rằng như vậy là chưa đủ.

Chính quyền Trump muốn các nước xử lý các rào cản phi thuế quan đối với thương mại, mà họ cho rằng giúp lý giải thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ. Một số rào cản được công nhận rộng rãi, như hạn ngạch nhập khẩu và những quy tắc chứng nhận sản phẩm phiền phức. Một số khác bị Nhà Trắng xem là vấn đề nhưng không bị các nhà kinh tế hay nước khác xem là rào cản thương mại.

Tuần này, Liên minh châu Âu cho biết họ đã đề nghị giảm thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp xuống 0 nếu Mỹ cũng làm như vậy. Ông Trump nói không. Đề xuất của Việt Nam bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ dường như cũng không thành công.

Các nhà lãnh đạo nước ngoài đang nhận ra rằng họ có thể phải làm những việc khác ngoài giảm thuế nếu muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ về thương mại. Họ có thể phải sửa quy định trong nước về các vấn đề như an toàn thực phẩm hoặc bãi bỏ thuế và các chính sách khác mà chính quyền Trump không thích. Điều này phức tạp hơn nhiều việc giảm thuế quan và khiến việc giải quyết tranh chấp thương mại lâu hơn.

“Không chỉ có thuế quan”, ông Trump nói tuần này sau khi EU đưa ra đề xuất. “Họ đưa ra các quy tắc và quy định chỉ nhằm một lý do: Bạn không thể bán sản phẩm của mình ở những quốc gia đó”.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhấn mạnh quan điểm này trong phiên điều trần trước Thượng viện ngày 8/4. Ông giơ bản Đánh giá Thương mại Quốc gia, một báo cáo nêu chi tiết về các rào cản phi thuế quan, và đưa ra ví dụ về một số rào cản, chẳng hạn như các yêu cầu cấp phép ở Ấn Độ chặn ethanol của Mỹ.

Mỹ không bán nhiều thịt gia cầm cho EU vì các hạn chế của châu Âu đối với việc rửa xác gia cầm bằng các chất tẩy rửa kháng khuẩn. Ảnh: Getty Images.

Mỹ không bán nhiều thịt gia cầm cho EU vì các hạn chế của châu Âu đối với việc rửa xác gia cầm bằng các chất tẩy rửa kháng khuẩn. Ảnh: Getty Images.

Trong một số trường hợp, có vẻ như các rào cản phi thuế quan là đủ để thúc đẩy chính quyền Trump tăng thuế đối với các nước dù Mỹ đang có thặng dư thương mại với họ. Ví dụ, Úc bị áp thuế 10% mặc dù nhập siêu từ Mỹ. Khi được hỏi về điểm đó trong phiên điều trần, ông Greer lưu ý rằng Úc chặn thịt bò và thịt lợn của Mỹ và cho biết Mỹ sẽ có thặng dư cao hơn với Úc nếu không có những quy định đó.

Những người biết về các cuộc thảo luận cho biết nội bộ Nhà Trắng cũng tập trung vào các rào cản phi thuế quan như các tuyên bố công khai của họ. Một người nói rằng Tổng thống và đội kinh tế của ông xem đây là khía cạnh quan trọng nhất trong đàm phán.

Đề xuất của Việt Nam bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ dường như cũng không thành công. Ảnh: Linh Pham/The Wall Street Journal.

Đề xuất của Việt Nam bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ dường như cũng không thành công. Ảnh: Linh Pham/The Wall Street Journal.

Không dễ giải quyết những rào cản đó. Chính quyền Obama từng dành 3 năm để đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với châu Âu, chủ yếu tập trung vào việc hạ các rào cản phi thuế quan của cả hai bên. Trong nhiều năm, các nhóm doanh nghiệp đã kêu gọi Mỹ và EU đơn giản hóa việc chứng nhận các sản phẩm bán cho nhau.

“Tôi cho rằng đối với doanh nghiệp nhỏ, các rào cản phi thuế quan là vấn đề lớn hơn thuế quan”, theo Anthony Gardner, đại sứ Mỹ tại EU trong các cuộc đàm phán thương mại khi đó. Ví dụ, nông dân Mỹ không thể sử dụng tên của một số loại phô mai như feta hay Parmesan khi bán ở châu Âu vì quy định nghiêm ngặt về xuất xứ và cách làm những loại phô mai đó.

Mỹ cũng có những rào cản từ lâu. Đạo luật Mua hàng Mỹ từ năm 1933 ưu tiên hàng Mỹ khi mua sắm cho chính phủ liên bang – một thị trường trị giá hàng trăm tỷ USD. Các khoản trợ cấp nông nghiệp cho nông dân Mỹ khiến giá nông sản của Mỹ rẻ hơn, mang lại cho họ lợi thế. Đạo luật Jones năm 1920 buộc tất cả hàng hóa vận chuyển trong nước phải sử dụng tàu do Mỹ chế tạo, sở hữu, có thủy thủ đoàn người Mỹ và treo cờ Mỹ.

Những phàn nàn lớn nhất của chính quyền Trump dành cho Trung Quốc, nơi mà Mỹ đã áp dụng thuế quan 125% vào ngày 9/4, sau khi Bắc Kinh tuyên bố đáp trả bằng thuế quan 84% với hàng Mỹ.

Báo cáo Đánh giá Thương mại Quốc gia nói rằng Bắc Kinh sử dụng các rào cản kỹ thuật thiếu cơ sở khoa học, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy hoạt động phản cạnh tranh thông qua các công ty do nhà nước sở hữu. Trung Quốc yêu cầu các công ty chuyển giao công nghệ, áp dụng hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu và làm ngơ với hàng giả, báo cáo cáo buộc.

Các thanh tra hải quan Trung Quốc đã từ chối một số lô hàng thịt lợn của Mỹ với lý do bị nhiễm các bệnh như hội chứng sinh sản và hô hấp ở lợn và virus Seneca Valley vì xét nghiệm dương tính giả chỉ cho thấy lợn đã được tiêm vacxin phòng các bệnh đó.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ duy trì hệ thống thương mại đa phương theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Họ đã phủ nhận những cáo buộc của ông Trump đối với hành vi thương mại của mình và đang phản đối thuế quan của ông bằng áp thuế đáp trả và khiếu nại lên WTO.

Trong một số trường hợp, các rào cản phi thuế quan rõ ràng là hành vi bảo hộ. Trong nhiều năm, Argentina đã buộc các công ty ô tô muốn nhập khẩu ô tô phải xây dựng nhà máy tại Argentina hoặc xuất khẩu các sản phẩm có giá trị tương đương với hàng nhập khẩu của họ – để cố gắng đảm bảo không làm tăng thêm thâm hụt thương mại. Điều đó dẫn đến những chuyện kỳ lạ như hãng ô tô Hyundai của Hàn Quốc xuất khẩu đậu phộng từ Argentina để được nhập khẩu ô tô của mình vào nước này.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (cà vạt đỏ) nêu ra những rào cản phi thuế quan trong một phiên điều trần trước Thượng viện. Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (cà vạt đỏ) nêu ra những rào cản phi thuế quan trong một phiên điều trần trước Thượng viện. Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images.

Nhưng đối với nhiều đối tác thương mại khác, các rào cản phi thuế quan là kết quả của văn hóa, chính trị và thông lệ lâu đời của một quốc gia, khiến chúng khó có thể xóa bỏ được, Mary Lovely – một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – cho biết. “Chính phủ Pháp biết rằng nếu họ nới lỏng các tiêu chuẩn của mình đối với nông sản, sẽ có máy kéo xếp hàng trên đường phố Paris”, bà nói. Các nước khác như Nhật Bản coi việc bảo vệ người nông dân trồng lúa là vấn đề an ninh lương thực và văn hóa.

Việc EU áp dụng cái gọi là nguyên tắc phòng ngừa nghĩa là khối này có xu hướng thận trọng hơn đối với các tiêu chuẩn về thực phẩm, sức khỏe và môi trường. Sự khác biệt này có thể tác động lớn đến dòng chảy thương mại. Ví dụ, Mỹ không bán nhiều thịt gia cầm cho EU vì các hạn chế của châu Âu đối với việc rửa xác gia cầm bằng các chất tẩy rửa kháng khuẩn như clo.

Ngày 8/4, một phát ngôn viên của EU cho biết khối này không có kế hoạch thay đổi những quy tắc đó. “Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp với các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới của mình về, ví dụ, sức khỏe và an toàn thực phẩm. Không phải với người Mỹ, không phải với bất kỳ ai”, ông nói.

Các thanh tra hải quan Trung Quốc đã từ chối một số lô hàng thịt lợn của Mỹ. Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images.

Các thanh tra hải quan Trung Quốc đã từ chối một số lô hàng thịt lợn của Mỹ. Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images.

Ông Gardner nói cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn mới đạt được sự đồng thuận của cả hai bên. Ông cho biết Mỹ đã mất 10 năm để đạt được thỏa thuận với châu Âu về cách chứng nhận an toàn thực phẩm với động vật thân mềm. Lý do là một bên kiểm tra vùng nước xung quanh động vật, còn bên kia kiểm tra phần thịt.

“Một cách không nên làm là vội kết luận rằng chúng tồn tại vì người nước ngoài muốn cản trở hàng của bạn. Những thứ này rất phức tạp và đòi hỏi phải phân tích sâu, vì vậy nếu một người như Trump nói rằng hãy loại bỏ chúng, thì điều đó sẽ không có tác dụng”, ông nói.

Mỹ cũng phàn nàn về các quy định với công nghệ của châu Âu – ảnh hưởng đến các công ty lớn của Mỹ bao gồm Apple và Meta Platforms – và thuế giá trị gia tăng, một nguồn thu chính của các chính phủ châu Âu mà nhiều nhà kinh tế cho rằng không mang tính phân biệt đối xử.

Các quan chức EU nói rằng khối này có quyền quản lý hoạt động của các công ty ở châu Âu, bất kể họ có trụ sở ở đâu. EU cho biết VAT là một loại thuế tiêu dùng tương tự như thuế bán hàng ở Mỹ và áp dụng bất kể sản phẩm được sản xuất ở đâu.

Theo:

https://www.wsj.com/economy/trade/trump-trade-war-economy-goal-c9210091