VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ông Phạm Văn Tam bị nhà sản xuất phủ nhận đầu tư 2.000 tỷ

Ông Phạm Văn Tam bị nhà sản xuất phủ nhận đầu tư 2.000 tỷ

09:56 - 20/03/2021

Theo đó ông Phạm Văn Tam chỉ mua phân bón và lấy tên sản phẩm là “Ba Con Bò” nhưng không tham gia đầu tư, sản xuất.

Theo đó ông Phạm Văn Tam chỉ mua phân bón và lấy tên sản phẩm là “Ba Con Bò” nhưng không tham gia đầu tư, sản xuất.

Thông tin ông Phạm Văn Tam lấn sân sang mảng nông nghiệp trong vài ngày vừa qua khiến khá nhiều người bất ngờ. Theo đó, sáng 17/3, Chủ tịch Asanzo cho ra mắt trang trại sinh thái chăn nuôi bò và thương hiệu phân bón hữu cơ “Ba Con Bò”.

Ông Phạm Văn Tam.

Ông Tam tiết lộ ông cùng với nhóm nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống 5 trang trại trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An với tổng vốn 2.000 tỷ đồng. Chuỗi trang trại được tổ chức theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không có nước thải, không có phế phẩm. Nguồn bò nhập từ Australia, nuôi lấy thịt phục vụ thị trường lân cận. Phế phẩm, chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ dựa trên công nghệ và công thức phối trộn vi sinh độc quyền đăng ký với Bộ Nông nghiệp.

Tuy nhiên, đơn vị sản xuất phản hồi ông Tam chỉ mua phân bón chứ không tham gia đầu tư, sản xuất như ông này tuyên bố. Cụ thể, hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An thuộc sở hữu của công ty cổ phần giống và thức ăn T&T 159 Hòa Bình, công ty cổ phần giống và vật tư nông nghiệp Thái Hòa, công ty cổ phần chăn nuôi T&T 159 Lạc Sơn. Cả ba đơn vị này đều thuộc T&T 159 Group.

Nguồn tin khẳng định ông Tam không rót vốn vào bất cứ trang trại nào. Thay vào đó, ông Tam ký hợp đồng mua phân bón từ công ty T&T 159 – pháp nhân lõi trong hệ sinh thái T&T 159 Group. Sau đó, ông Tam sẽ phân phối, bao tiêu với sản lượng 25.000 tấn/năm và lấy tên mới là “Ba Con Bò” mà hoàn toàn không có điều khoản hợp tác bằng hình thức góp vốn. Kể cả câu chuyện “Ba Con Bò là sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất trên công nghệ, công thức phối trộn vi sinh độc quyền của công ty T&T 159 miền Nam” mà ông Tam phát biểu trên một số cơ quan báo chí cũng là không chính xác.

“Thứ nhất, phía ông Tam chỉ phân phối và thỏa thuận được độc quyền và lấy thương hiệu mới là Ba Con Bò. Do đó, chất lượng, tiêu chuẩn cấp phép lưu hành đều thuộc hồ sơ của công ty bên cung cấp chứ không thể có chuyện thành “độc quyền của công ty phân bón T&T 159 miền Nam” (công ty mới được thành lập tháng 12/2020 – đơn vị phân phối phân bón Ba Con Bò).

Thứ hai, thời gian xin giấy phép lưu hành không dễ, nhanh nhất cũng phải mất 12 tháng, còn thông thường phải mất khoảng ba năm tùy vào danh mục sản phẩm. Việc xin lưu hành cũng đồng nghĩa với việc phải khai báo về quy trình sản xuất, công thức phối trộn các sản phẩm….với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp). Sau đó, phải có quá trình đánh giá nghiệm thu từ cơ quan chức năng.

Tiếp đến, còn phải thẩm định điều kiện bảo vệ môi trường, cháy nổ, hồ sơ pháp lý mới được đánh giá đủ điều kiện sản xuất. Từ đó, doanh nghiệp mới công bố hợp quy đến cơ quan chức năng ở địa phương để giám sát và căn cứ kiểm soát tình trạng gian lận thương mại”, báo Giao thông dẫn lời nguồn tin cho biết.

Trả lời báo Nhà Đầu Tư, ông Đỗ Thế Thắng – Tổng giám đốc T&T 159 cũng khẳng định: “Thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An, tổng vốn 2.000 tỷ đồng là không chính xác. Bên đó chỉ là phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam do chúng tôi sản xuất thôi”.

Về phía ông Phạm Văn Tam, trước phản ánh của báo Nhà đầu tư chiều 19/3, vị này cho biết, khoản tiền 2.000 tỷ đồng do ông và nhóm đầu tư “rót” vào hệ thống trang trại bò từ khá lâu.

Theo ông Tam, hiện nay doanh nghiệp dự định mở rộng trang trại về phía Nam, do đó mới công bố khoản đầu tư này. Tuy nhiên, sau đó ông Phạm Văn Tam lại nói rằng, khoản đầu tư là “bí mật và chưa dám nói về vấn đề này”.

“Về việc này tôi phải kiểm tra lại, hỏi lại nhóm đầu tư thông tin kỹ hơn và trả lời sau được không”, ông Phạm Văn Tam nói với báo Nhà đầu tư.

Ông Phạm Văn Tam từng tham gia ghi hình với vai trò là một trong số các cá mập của chương trình Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, khi vụ việc liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của Asanzo xảy ra, các phần ghi hình của ông Tam trong vai trò nhà đầu tư không được lên sóng.