VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Người Mỹ tràn vào các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc để mua hàng

Người Mỹ tràn vào các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc để mua hàng

09:22 - 17/04/2025

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ “đổ bộ” vào các sàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc để mua sắm. Tình trạng này được cho là xuất phát từ nỗi lo sợ thuế đối ứng làm tăng giá sản phẩm.

Theo Bloomberg, người Mỹ đang tích cực tìm mua túi xách, quần yoga và ví giá rẻ trên các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc, lo ngại rằng giá trên các nền tảng trong nước sẽ tăng do thuế nhập khẩu.

Nhiều video trên mạng đã giới thiệu sản phẩm Trung Quốc có chất lượng tốt và giá rẻ, thu hút người dùng Mỹ tải về các ứng dụng như DHgate. Bằng chứng là ứng dụng này đã leo lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí tại Mỹ trên App Store, theo dữ liệu từ SensorTower. Thậm chí, cổ phiếu của công ty CTS International Logistics, đối tác của DHgate, cũng tăng kịch trần 10% vào ngày 16/4 tại Thượng Hải.

Nhiều nhà cung cấp Trung Quốc đang sử dụng TikTok để quảng bá hàng hóa tới người tiêu dùng nước ngoài. Một số video cho rằng nhiều sản phẩm mang thương hiệu châu Âu thực chất được sản xuất tại Trung Quốc, kèm theo đường link và thông tin liên hệ để người xem có thể đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất.

Một video TikTok còn gây chú ý với chú thích: “Không cần mua Hermes theo cách truyền thống. Hãy tiết kiệm tiền và sắm ngay túi Birkin hay Mini Kelly cho mùa hè 2025”. Theo đó, video này quảng bá các mẫu túi Hermes được bán trên DHgate.

Trên ứng dụng, một phiên bản nhái của ví Louis Vuitton pochette, giá gốc 1.490 USD, được rao bán chỉ với 3,24 USD, và đã có hơn 100 chiếc được bán. Một chiếc quần yoga của Lululemon, giá gốc 98 USD, đang được bán với giá chỉ 13 USD, với hơn 10.000 chiếc đã được tiêu thụ.

Tuần trước, DHgate đã công bố một bức thư gửi các nhà bán hàng về “Kế hoạch hỗ trợ thuế quan”, cam kết hỗ trợ về lượng truy cập, trợ giá, vận chuyển và nhiều hình thức khác nhằm giúp người bán giảm chi phí và ổn định doanh thu.

Mỗi năm, DHgate cung cấp hơn 30 triệu sản phẩm

Hiện DHgate có hơn 2,6 triệu nhà cung cấp đăng ký, mỗi năm cung cấp hơn 30 triệu sản phẩm. Nền tảng phục vụ khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 10 kho hàng ở nước ngoài và cung cấp hơn 100 tuyến vận chuyển.

DHgate được thành lập vào năm 2004 bởi bà Vương Thục Đồng, người từng là đồng sáng lập joyo.com – một trong những nền tảng thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc, sau này được Amazon mua lại. Trước khi sáng lập DHgate, bà đã làm việc tại Microsoft và Cisco, và thường được gọi là “Jack Ma phiên bản nữ”.

Ngoài DHgate, các ứng dụng như Taobao của Alibaba, Temu và Shein cũng nằm trong số những ứng dụng phổ biến tại Mỹ.

Đáng chú ý là mới đây, Temu thuộc sở hữu của công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings, cùng với Shein, hiện có trụ sở tại Singapore, đã công bố các thông báo tương tự về việc tăng chi phí hoạt động “do những thay đổi gần đây trong quy tắc thương mại và thuế quan toàn cầu”.

Shein chuyên bán quần áo, mỹ phẩm và phụ kiện giá rẻ, chủ yếu nhắm đến phụ nữ trẻ thông qua hợp tác với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Temu, với quảng cáo trực tuyến, cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn, bao gồm đồ gia dụng, quà tặng hài hước và thiết bị điện tử nhỏ.

Vào tháng 11, Amazon đã ra mắt gian hàng trực tuyến với các sản phẩm giá rẻ, bao gồm điện tử và quần áo, nhiều sản phẩm trong số đó tương tự như hàng hóa trên Shein và Temu.

Kể từ khi ra mắt tại Mỹ, Shein và Temu đã cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà bán lẻ phương Tây bằng cách cung cấp sản phẩm với giá rất thấp, đồng thời đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng số và thông qua những người có ảnh hưởng. Theo đó, cả hai công ty cho biết sẽ thực hiện “điều chỉnh giá” từ ngày 25/4, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể về mức tăng.

Mức thuế 145% mà ông Trump áp đặt lên hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, cùng với việc chấm dứt miễn thuế hải quan cho hàng hóa trị giá dưới 800 USD nhập vào Mỹ, đã tác động lớn đến mô hình kinh doanh của cả hai nền tảng này.

Trước đây, các công ty thương mại điện tử thường sử dụng điều khoản miễn thuế này. Tuy nhiên, ông Trump đã ký sắc lệnh xóa bỏ “điều khoản de minimis” đối với hàng hóa từ Trung Quốc và Hồng Kông, có hiệu lực từ ngày 2/5, khiến những sản phẩm này phải chịu thuế nhập khẩu 145%.

Mỗi ngày, có tới 4 triệu kiện hàng giá trị thấp, chủ yếu từ Trung Quốc, được nhập vào Mỹ theo điều khoản này sắp bị hủy bỏ. Các chính trị gia, cơ quan thực thi pháp luật và các nhóm doanh nghiệp Mỹ đã vận động xóa bỏ điều khoản miễn trừ này, cho rằng nó là lỗ hổng thương mại giúp hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc dễ dàng vào Mỹ, đồng thời là cửa ngõ cho ma túy bất hợp pháp và hàng giả.

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/nguoi-my-tran-vao-cac-san-thuong-mai-dien-tu-cua-trung-quoc-de-mua-hang-422025416152858402.htm