VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng là vi phạm quy định pháp luật

Bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng là vi phạm quy định pháp luật

09:55 - 21/04/2025

Tình trạng bác sĩ, những người có uy tín trong lĩnh vực y tế tham gia vào hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng đang trở nên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng…

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông báo về tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm và thực phẩm chức năng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên của các đơn vị y tế, bác sĩ, dược sĩ trong quảng cáo thực phẩm là vi phạm pháp luật.

Để thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý quảng cáo thực phẩm, Bộ Y tế đã gửi công văn đến các đơn vị trong ngành, yêu cầu họ quán triệt nội dung này.

Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện, trường đại học y dược, và các hiệp hội liên quan thông báo cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, kể cả những người đã nghỉ hưu về vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy.

Các quảng cáo như “giúp khỏi bệnh hoàn toàn” hay “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày” thường là dấu hiệu của việc quảng cáo thổi phồng. Đáng lo ngại là nhiều lời quảng cáo không dựa trên cơ sở khoa học hay chưa được kiểm chứng.

Một bác sĩ từng công tác tại Viện Dinh dưỡng quốc gia tham gia quảng cáo cho hãng sữa đang bị điều tra làm giả

Thực tế, thời gian qua, không chỉ bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm và thực phẩm chức năng mà nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã phóng đại công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng hiểu sai về khả năng thật sự của sản phẩm.

Đơn cử như vụ 600 loại sữa giả được Bộ Công an triệt phá gần đây. Theo đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 loại, thu lợi gần 500 tỉ đồng nhắm đến người bệnh, trẻ em và phụ nữ mang thai. Đáng nói là nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng từng tham gia quảng cáo các dòng sữa đa công dụng này. Một số nghệ sĩ được nhắc tên như MC Vân Hugo, NSND Hồng Vân, diễn viên Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh,… Vụ việc cùng sự tham gia quảng cáo của những người có sức ảnh hưởng ngay lập tức gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận.

Hậu quả của quảng cáo thổi phồng không chỉ là sự thất vọng khi sản phẩm không như mong đợi mà còn tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe. Người tiêu dùng có thể tự ý sử dụng thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến chuyên gia, dẫn đến tác dụng phụ hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm quảng cáo quá mức có thể là hàng giả, hàng nhái hoặc không rõ nguồn gốc, tạo thêm rủi ro cho người dùng. Để tránh bị lừa bởi quảng cáo sai sự thật, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm và không tin vào những quảng cáo quá đà.

Trước khi sử dụng thực phẩm chức năng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo phù hợp với sức khỏe, và chọn mua sản phẩm từ nguồn uy tín.

https://vneconomy.vn/bac-si-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-la-vi-pham-quy-dinh-phap-luat.htm