VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tại sao sẽ không bao giờ có Warren Buffett thứ hai

Tại sao sẽ không bao giờ có Warren Buffett thứ hai

17:22 - 05/05/2025

Nhà bình luận Jason Zweig cho rằng có ba yếu tố kết hợp lại biến Warren Buffett trở thành nhà đầu tư có một không hai.

Chỉ có một Warren Buffett, và sẽ không bao giờ có ai khác.

Vào ngày 3/5, ông Buffett tuyên bố sẽ từ chức Tổng giám đốc của Berkshire Hathaway – tập đoàn mà ông đã xây dựng thành một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử. Có ba lý do tại sao chưa từng và sẽ không bao giờ có ai sánh bằng ông: con người ông, thời điểm và phương tiện mà ông dùng để đầu tư.

Thứ nhất là con người. Ông Buffett không chỉ xuất sắc, mà còn dành gần như toàn bộ cuộc đời dài của mình ám ảnh với cổ phiếu. Đặc biệt trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, thành công vô song của ông đòi hỏi sự hy sinh cuộc sống gia đình và xã hội bình thường.

Một nhà văn đã gọi triết gia vĩ đại thế kỷ 17 Baruch Spinoza là “người say thần thánh”. Ông Buffett là người say cổ phiếu.

Kể từ năm 1942, khi mua cổ phiếu đầu tiên ở tuổi 11, ông đã đọc ngấu nghiến thông tin về các doanh nghiệp như cách người ta nghe nhạc.

Khi còn là một nhà quản lý đầu tư trẻ tuổi, ông thường đi lang thang trong nhà, chúi mũi vào các báo cáo thường niên của doanh nghiệp, gần như va vào đồ đạc, không để ý đến bất kỳ ai ra vào. Trong khi các con chơi ở công viên giải trí, ông ngồi trên ghế dài và đọc các báo cáo tài chính. Cơ thể của ông ở đó, nhưng tình thần và cảm xúc của ông chìm trong thế giới của những khoản chuyển lỗ thuế và lịch trình khấu hao.

Warren Buffett tham dự lễ đánh chuông mở cửa Sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng 3/2006. Ảnh: Mario Tama/Getty Images.

Warren Buffett tham dự lễ đánh chuông mở cửa Sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng 3/2006. Ảnh: Mario Tama/Getty Images.

Hãy tưởng tượng bạn bị ám ảnh như vậy. Hãy tưởng tượng bạn thích như thế.

Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn thích như thế hầu như mọi khoảnh khắc trừ lúc ngủ kể từ thập niên 1940. Ông Buffett khác thường như vậy đấy.

Chuyên môn bắt nguồn từ khả năng nhìn ra khuôn mẫu, và ông Buffett đã nhìn ra mọi khuôn mẫu có thể hình dung được. Với những gì tôi biết về thói quen làm việc của ông, tôi ước tính rằng ông đã đọc hơn 100.000 báo cáo tài chính trong sự nghiệp dài hơn 7 thập kỷ của mình.

Và trí nhớ của ông gần như siêu nhiên. Nhiều năm trước, khi kết thúc một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông, tôi đã đề cập đến một cuốn sách mà tôi đang đọc. Ông ấy thốt lên rằng mình cũng đã đọc nó – hơn nửa thế kỷ trước. Khi ông bắt đầu mô tả một đoạn văn, tôi cầm lấy cuốn sách, tìm trang và ngạc nhiên nhận ra rằng ông ấy nhớ lại gần như từng câu một.

Lượng thông tin tài chính khổng lồ mà ông đã tiếp xúc, kết hợp với trí nhớ phi thường của ông, đã biến ông thành một dạng trí tuệ nhân tạo hình người. Ông có thể trả lời hầu hết mọi câu hỏi từ cơ sở dữ liệu nội bộ của chính mình.

Điều đó mang lại cho ông khả năng vô song trong việc xác định hạt nhân có ý nghĩa trong bất kỳ thông tin mới nào – và một lợi thế dài hạn so với các nhà đầu tư khác. Bây giờ, khi AI có mặt trên toàn thế giới, một người có khả năng nắm giữ dữ liệu khổng lồ như ông Buffett thậm chí sẽ không sở hữu lợi thế nào trong tương lai.

Warren Buffett dự định từ chức Tổng giám đốc của Berkshire Hathaway vào cuối năm. Ảnh: Vincent Tullo/Wall Street Journal.

Warren Buffett dự định từ chức Tổng giám đốc của Berkshire Hathaway vào cuối năm. Ảnh: Vincent Tullo/Wall Street Journal.

Thứ hai là thời điểm mà ông Buffett đã thể hiện tài năng đầu tư của mình. Như ông từng nói nhiều lần, ông đã trúng “xổ số buồng trứng” khi được sinh ra đúng thời điểm và đúng nơi.

Giả sử nếu ông sinh ra ở Omaha vào năm 1880 thay vì 1930, ông sẽ phải đầu tư vào gia súc thay vì cổ phiếu. Nếu ông sinh ra vào năm 1930 tại Omsk thay vì Omaha, ông sẽ không sở hữu đường sắt và có lẽ sẽ làm việc xây Đường sắt xuyên Siberia.

Và ông tình cờ trưởng thành đúng lúc để học từ Benjamin Graham, người tiên phong trong lĩnh vực phân tích chứng khoán và là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ trước.

Ông Buffett cũng bắt đầu sự nghiệp của mình trước khi hàng nghìn tỷ USD đổ vào thị trường cổ phiếu từ các quỹ chỉ số và những nhà đầu tư tổ chức khổng lồ khác.

Ông đã xây dựng thành tích phi thường của mình từ sớm bằng cách “câu cá” ở nơi không ai khác để ý đến. Ông ăn những sinh vật phù du nhỏ nhất trên thị trường.

Ông đã đặt cược lớn vào những con cá nhỏ này. Ví dụ, ông từng rót 21% tổng tài sản của hợp danh đầu tư của mình vào Dempster Mill Manufacturing, một nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp, hay 35% vào Sanborn Map, một công ty bản đồ có danh mục đầu tư giá trị hơn cổ phiếu của họ. Đôi khi, ông mất nhiều năm để xây dựng vị thế tại các cổ phiếu hầu như không bao giờ được giao dịch.

Warren Buffett tiếp khách mời tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2013 của Berkshire Hathaway. Ảnh: Nati Harnik/AP.

Warren Buffett tiếp khách mời tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2013 của Berkshire Hathaway. Ảnh: Nati Harnik/AP.

Từ năm 1957 đến năm 1968, những ván cược ít tiếng tăm như vậy đã giúp tạo ra lợi nhuận trung bình 25,3% hàng năm, so với 10,5% của S&P 500.

Ông Buffett vượt thị trường bằng cách bước ra khỏi thị trường như định nghĩa của hầu hết các nhà đầu tư khi đó. Một nghiên cứu cho thấy từ năm 1945 đến năm 1964, không có quỹ tương hỗ cổ phiếu nào đạt kết quả tốt hơn đáng kể so với kỳ vọng “từ sự ngẫu nhiên đơn thuần”.

Ngược lại, ông Buffett hầu như không mua bất kỳ thứ gì thuộc những chỉ số thị trường chính như Dow Jones Industrial Average hay Standard & Poor’s Composite.

Và ông không chỉ thành công đơn thuần, mà thành công xuyên suốt một trong những sự nghiệp dài nhất mà bất kỳ nhà đầu tư nào từng có. Ông đã tiếp quản Berkshire – một nhà sản xuất hàng dệt may gặp khó – vào năm 1965. Tính đến cuối năm ngoái, ông đạt lợi nhuận trung bình hàng năm 19,9%, so với 10,4% của S&P 500.

Gần như bất kỳ ai có một chút may mắn đều có thể đánh bại thị trường trong một năm. Theo như tôi biết, không ai trong lịch sử đánh bại thị trường ở mức độ như vậy trong 6 thập kỷ – vì chỉ có ông Buffett mới kết hợp được kỹ năng đầu tư phi thường và chiều dài sự nghiệp phi thường như vậy.

Warren Buffett nói chuyện với cố Phó chủ tịch Berkshire Hathaway Charlie Munger trên màn hình năm 2018. Ảnh: Rick Wilking/Reuters.

Warren Buffett nói chuyện với cố Phó chủ tịch Berkshire Hathaway Charlie Munger trên màn hình năm 2018. Ảnh: Rick Wilking/Reuters.

Cuối cùng, ông Buffett đã đầu tư theo một cách cực kỳ đặc biệt.

Berkshire Hathaway hoạt động như một công ty holding niêm yết công khai, chứa bất kỳ thứ gì mà ông muốn sở hữu: các cổ phiếu niêm yết công khai khác, trái phiếu chính phủ, các công ty nội bộ. Có thời điểm, Berkshire là một trong những người nắm giữ bạc nhiều nhất thế giới. Công ty này hiện nắm hơn 330 tỷ USD tiền mặt.

Berkshire không phải là quỹ đầu cơ, quỹ tương hỗ, quỹ hoán đổi danh mục hay bất kỳ phương tiện đầu tư thông thường nào khác.

Theo thiết kế, Berkshire không trừ đồng phí quản lý nào từ lợi nhuận và không tính phí kích thích hiệu suất – loại phí khuyến khích các nhà quản lý chấp nhận rủi ro quá mức để theo đuổi thù lao lớn.

Hầu hết các quỹ đầu tư đều gặp một vấn đề mà các nhà kinh tế gọi là “tính thuận chu kỳ”. Sau khi một quỹ đạt được chuỗi lợi suất tốt, các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào quỹ, buộc nhà quản lý phải đưa lượng tiền mặt mới vào một thị trường nhiều khả năng có định giá quá cao. Điều đó làm giảm lợi suất trong tương lai.

Sau đó, khi lợi suất giảm trong một thị trường đi xuống, các nhà đầu tư rút tiền của họ ra, buộc nhà quản lý quỹ phải bán ra ngay khi những thương vụ giá hời xuất hiện ngày càng nhiều. Các nhà đầu tư của chính quỹ khiến kết quả của quỹ tệ hơn, làm gia tăng mức lên xuống của thị trường.

Tuy nhiên, dòng tiền duy nhất của Berkshire là nội bộ. Tiền đến từ (hoặc đi ra) các tài sản mà họ sở hữu. Tiền mặt không thể được đổ vào từ các nhà đầu tư mới hoặc bị rút bởi các nhà đầu tư bỏ chạy vào những thời điểm xấu nhất – bởi vì bạn chỉ có thể đầu tư vào Berkshire bằng cách mua cổ phiếu từ một người khác trên thị trường thứ cấp.

Mô hình này đã mang lại cho ông Buffett một lợi thế về mặt cấu trúc, cho phép ông theo đuổi cơ hội ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào ông nhận thấy. Đó là một đặc quyền mà hầu như không có nhà đầu tư chuyên nghiệp nào khác có hay thậm chí muốn có.

Miễn là họ có thù lao cao ngay cả khi họ đạt kết quả kém hơn thị trường, rủi ro thật sự đối với các nhà quản lý quỹ là thử cách khác. Lợn sẽ mọc lông vũ trước khi bất kỳ ai có đủ can đảm để thực sự bắt chước Warren Buffett.

Theo:

https://www.wsj.com/finance/investing/why-there-will-never-be-another-warren-buffett-2b5fa268