VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Xuất khẩu gạo top đầu nhưng Việt Nam được Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán trở thành nước nhập khẩu gạo cao thứ 2 thế giới, vì sao?

Xuất khẩu gạo top đầu nhưng Việt Nam được Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán trở thành nước nhập khẩu gạo cao thứ 2 thế giới, vì sao?

16:06 - 14/05/2025

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định Việt Nam có thể sẽ là nhà nhập khẩu và xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2025 và cả năm 2026.

Theo báo cáo mới phát hành về lĩnh vực lương thực toàn cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam dự kiến sẽ là nhà nhập khẩu và xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2025 và cả năm 2026.

Trước đó, trong năm 2024, nhập khẩu gạo của Việt Nam ước tính khoảng 3,4 triệu tấn, sau Philippines và Indonesia. Năm 2025 và 2026, thương mại gạo toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, với sản lượng thương mại đạt trên 60 triệu tấn. Trong số các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Việt Nam nổi bật với lượng nhập khẩu có thể đạt 4 triệu tấn trong năm 2025 và 4,1 triệu tấn trong năm 2026. Sự gia tăng này chủ yếu do diện tích gieo trồng trong nước bị thu hẹp và nhu cầu nhập khẩu từ Campuchia.

Philippines vẫn là thị trường lớn nhất thế giới về nhập khẩu gạo, duy trì lượng nhập khoảng 5,5 triệu tấn. Nigeria đứng thứ ba với 3 triệu tấn gạo, chủ yếu do nhu cầu tăng lên từ sự gia tăng dân số, mặc dù thị trường này ưu tiên các sản phẩm giá rẻ.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ nhập khẩu 2,4 triệu tấn nhờ vào nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý từ các nước châu Á. Các nước thành viên EU cũng sẽ nhập khoảng 2,2 triệu tấn gạo, giảm nhẹ so với các năm trước do nguồn cung nội địa gia tăng. Trong khi đó, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai trong hai năm gần đây, dự kiến chỉ nhập khoảng 800.000 tấn nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung nội địa trong năm 2025.

Trong năm 2025, Việt Nam có thể nhập đến 4 triệu tấn gạo và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ vượt Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2025, với ước tính xuất khẩu khoảng 7,9 triệu tấn gạo, so với 7 triệu tấn của Thái Lan và 24 triệu tấn của Ấn Độ. Sự tăng trưởng này của hạt gạo Việt Nam chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường truyền thống Philippines và sự quay trở lại của các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Lý giải cho việc Việt Nam dù xuất khẩu gạo top đầu nhưng lại được dự đoán trở thành nước nhập khẩu gạo cao thứ 2 thế giới, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khẳng định rằng việc nhập khẩu gạo với số lượng lớn sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam. Ông Thủy giải thích rằng giá gạo trên thị trường thế giới hiện đang ở mức thấp nhất, điều này tạo cơ hội cho Việt Nam tiến hành nhập khẩu.

Ông cho biết, trong năm 2023 và 2024, mặc dù Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, vẫn cần nhập khoảng 1,1 đến 1,3 triệu tấn gạo trắng để phục vụ sản xuất hàng hóa và thức ăn chăn nuôi. Do đó, trong năm nay, lượng gạo nhập khẩu có thể tăng lên, đặc biệt khi giá lợn có nhiều biến động và ở mức cao, làm tăng nhu cầu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp có nhu cầu cao trong việc nhập khẩu gạo để tái xuất cũng sẽ góp phần làm tăng sản lượng gạo nhập khẩu.

Mặc dù sản lượng gạo toàn cầu tăng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn diễn ra do nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng thêm 6,1 triệu tấn, nâng tổng nhu cầu lên 538,8 triệu tấn. Trong đó, Ấn Độ vẫn là nước sản xuất lớn với 125 triệu tấn, tiếp tục duy trì các chính sách nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.

https://nguoiquansat.vn/xuat-khau-gao-top-dau-nhung-viet-nam-duoc-bo-nong-nghiep-my-du-doan-tro-thanh-nuoc-nhap-khau-gao-cao-thu-2-the-gioi-vi-sao-217668.html