VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Chặn ứng dụng Telegram tại Việt Nam do vi phạm trên không gian mạng

Chặn ứng dụng Telegram tại Việt Nam do vi phạm trên không gian mạng

16:52 - 23/05/2025

Nước Nga, nơi Telegram được thành lập từng chặn ứng dụng vào năm 2018 vì nó bị các tổ chức khủng bố sử dụng để liên lạc với nhau.

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản khẩn gửi các doanh nghiệp viễn thông, đề nghị triển khai ngay các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động của ứng dụng Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu từ Bộ Công an. Các doanh nghiệp này được yêu cầu báo cáo về Cục Viễn thông trước ngày 2/6 về giải pháp và kết quả thực hiện. Đề xuất này cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và người dân khỏi các rủi ro trên không gian mạng.

Động thái quyết liệt này được đưa ra dựa trên thông tin đáng báo động từ các đơn vị chức năng của Bộ Công an. Theo Công văn số 2312/CVT-CS ngày 2/5 của Cục Viễn thông, quyết định này được ban hành dựa trên cơ sở văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24/4 của Cục A05, trong đó nêu chi tiết về tình hình vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến ứng dụng Telegram tại Việt Nam.

Theo đó, với các tính năng như mã hóa đầu cuối mạnh mẽ, khả năng ẩn danh cao, dễ dàng tạo lập và quản lý các hội nhóm với số lượng thành viên khổng lồ, Telegram vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phi pháp.

Thống kê từ Cục A05 cho thấy, hiện có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam. Nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các phần tử chống đối, phản động tạo lập, chuyên tán phát tài liệu chống phá Nhà nước. Đáng báo động hơn, đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, buôn bán ma túy, và thậm chí có trường hợp nghi vấn liên quan đến hoạt động khủng bố lợi dụng nền tảng này.

Nghiêm trọng hơn nữa, Bộ Công an cũng chỉ rõ nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra trên Telegram trong thời gian qua với tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 1.000 tỷ đồng và ghi nhận hơn 13.000 nạn nhân. Ngoài ra, dữ liệu cá nhân của 23 triệu người dân cũng bị rao bán công khai trên nền tảng này.

Hiện có ít nhất 8 quốc gia có động thái hạn chế hoặc ngăn chặn Telegram

Việc lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện các hành vi chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội là hành vi bị nghiêm cấm rõ ràng theo Điều 9 của Luật Viễn thông.

Đáng chú ý, Cục Viễn thông cũng chỉ ra rằng, kể từ ngày 1/1, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, Telegram đã không chấp hành quy định này. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 9 Luật Viễn thông. Khi đó, theo điểm c Khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn.

Cục Viễn thông nhấn mạnh rằng, việc Telegram cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người dùng tại Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật Việt Nam. Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam để xử lý thông tin vi phạm. Trường hợp không hợp tác, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn.

Cục cho biết rằng trên thế giới, Telegram đã bị Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đánh giá là “kém hợp tác nhất” với các cơ quan chức năng. Hiện có ít nhất 8 quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Pakistan, Na Uy, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan và Indonesia, đã có động thái hạn chế hoặc ngăn chặn ứng dụng này do thiếu hợp tác từ phía Telegram.

Ngoài ra, nước Nga, nơi Telegram được thành lập, cũng từng chặn ứng dụng vào năm 2018 vì nó bị các tổ chức khủng bố sử dụng để liên lạc với nhau. Tuy nhiên, Telegram không phối hợp với Cơ quan An ninh Liên bang Nga trong việc xử lý các sự việc liên quan.

https://dantri.com.vn/cong-nghe/chan-ung-dung-telegram-tai-viet-nam-do-vi-pham-tren-khong-gian-mang-20250523132114927.htm