VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Apple đã hợp tác với và trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào?

Apple đã hợp tác với và trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào?

16:47 - 23/05/2025

Một cuốn sách mới phơi bày mối quan hệ cộng sinh giữa hai bên, đã trở thành rủi ro sống còn với công ty giá trị nhất thế giới.

Năm 2010, một đơn vị tinh nhuệ của công an Trung Quốc đã xông vào một cửa hàng Apple ở Thượng Hải và tấn công bạo lực khách hàng. Cuộc tấn công dã man đến mức cửa hàng sau đó phải thay gạch lát sàn vì quá đẫm máu. Những khách hàng đó đã xếp hàng nhiều ngày để mua iPhone mới nhất; tội của họ là từ chối rời đi khi biết rằng cửa hàng đã bán hết hàng.

Tuy nhiên, không có hồ sơ chính thức nào về sự kiện này. Camera của cửa hàng bị cắt và điện thoại của các nhân viên bị xóa sạch. “Điều này cho thấy Trung Quốc có thể nhanh chóng che giấu mọi thứ như thế nào”, một người có mặt tại đó nói với nhà báo Patrick McGee. “Nó giống như một Quảng trường Thiên An Môn thu nhỏ”.

Vụ việc này là một ví dụ nhỏ trong cuốn sách mới của ông McGee, “Apple in China: The Capture of the World’s Greatest Company” (“Apple ở Trung Quốc: Sự thâu tóm công ty lớn nhất thế giới”), về cách tập đoàn có trụ sở tại Mỹ đã “gắn chặt tương lai của mình vào một nhà nước chuyên chế tàn nhẫn”.

Bìa cuốn sách “Apple in China: The Capture of the World's Greatest Company” của tác giả Patrick McGee. Ảnh: Amazon.

Bìa cuốn sách “Apple in China: The Capture of the World’s Greatest Company” của tác giả Patrick McGee. Ảnh: Amazon.

Khi nghĩ về Apple tại Trung Quốc, người ta thường tập trung vào việc sản xuất linh kiện giá rẻ và điều kiện làm việc tồi tại các nhà máy, hoặc kiểm duyệt nội dung trên các thiết bị Apple trong nước. Ông McGee, một nhà báo tại tờ Financial Times, đã phân tích chi tiết hơn nhiều về mối quan hệ giữa công ty tư bản này và quốc gia cộng sản – một mối quan hệ đan xen và phức tạp đến mức sẽ phải mất hàng thập kỷ mới có thể giải quyết được.

Ông McGee lập luận rằng Trung Quốc không chỉ thực sự biến Apple thành như ngày nay mà điều ngược lại cũng đúng. “Trung Quốc sẽ không phải là Trung Quốc ngày nay nếu không có Apple”, ông viết. “Các khoản đầu tư [của Apple] vào quốc gia này thật ngoạn mục, sánh ngang với những nỗ lực xây dựng quốc gia” như Kế hoạch Marshall của Mỹ để tái thiết châu Âu sau Thế chiến II.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1996. Apple, khi đó bên bờ vực phá sản, bắt đầu thuê gia công giá rẻ hơn bên ngoài Mỹ. Sau khi thử nghiệm với nhiều quốc gia khác nhau – bao gồm một trải nghiệm thảm họa ở Wales – công ty chú ý đến Đài Loan vì lao động giá rẻ và nhiều nhà sản xuất khao khát hợp đồng ở đó.

Apple, có các thiết kế phức tạp và không khoan nhượng với những khiếm khuyết, đã đưa các kỹ sư người Mỹ của mình vào làm việc với các nhà sản xuất Đài Loan. Họ làm việc ngay tại các nhà máy, đôi khi ngủ lại đó, cho đến khi họ chắc chắn rằng quy trình đã đúng.

Khi những công ty Đài Loan này bắt đầu xây dựng nhà máy ở Trung Quốc, Apple cũng đi theo, và hệ thống đó càng trở nên vững chắc. Công ty bắt đầu cử rất nhiều nhà thiết kế sản phẩm và kỹ sư hàng đầu của mình sang Trung Quốc, đến mức họ có thể thuyết phục United Airlines mở một tuyến bay giữa San Francisco và Thành Đô trong nhiều năm, với tần suất 3 chuyến một tuần. Hành trình dài 11.000 km là tuyến bay không dừng dài nhất của United Airlines.

Công nhân tại một nhà máy ở phía nam Trung Quốc. Ảnh: AFP/The Telegraph.

Công nhân tại một nhà máy ở phía nam Trung Quốc. Ảnh: AFP/The Telegraph.

Terry Gou – nhà sáng lập Foxconn, công ty có trụ sở tại Đài Loan sản xuất phần lớn các sản phẩm của Apple – là một trong những người đầu tiên nhận ra tình hình như vậy có lợi đến thế nào. Apple khét tiếng vì ép giá các doanh nghiệp gia công hết mức có thể – nhưng ông Gou vẫn chấp nhận, đề nghị trả toàn bộ chi phí chuẩn bị sản xuất.

Ông ấy “hiểu ra sớm hơn bất kỳ ai” rằng “giá trị của Apple không phải là lợi nhuận, mà là học hỏi”, ông McGee viết. Khi các công ty khác nắm bắt được điều này và áp dụng cách làm tương tự, Apple nhận ra rằng “sự hiện diện của họ tại Trung Quốc đã cho phép chuyển giao công nghệ ở một quy mô phi thường”.

Trung Quốc dang tay chào đón những khoản đầu tư này, trợ cấp một lượng lớn đất cho các nhà máy mới, đưa công nhân từ khắp cả nước đến để cung cấp lao động và gỡ bỏ các rào cản ký kết hợp đồng mới. “Họ làm [việc đầu tư] rất hấp dẫn đối với thế giới bên ngoài”, một kỹ sư nhớ lại.

Đồng thời, tầng lớp trung lưu đang phát triển ở Trung Quốc rõ ràng muốn sở hữu các sản phẩm Apple, ngay cả khi họ phải chi cả tháng lương. Khi Apple mở một cửa hàng ở Bắc Kinh vào năm 2010, họ bán được 3,7 triệu USD iPad, tất cả đều bằng tiền mặt, chỉ trong vòng 5 giờ – một kỷ lục toàn cầu.

Apple có vẻ như đã tìm ra công thức thành công: kết hợp sáng tạo và thiết kế đặc trưng của Steve Jobs với năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, điều hành bởi Tim Cook, kiến trúc sư trưởng của chiến lược Trung Quốc và người kế nhiệm chức CEO công ty sau khi ông Jobs qua đời.

Tim Cook, kiến trúc sư trưởng của chiến lược Trung Quốc và CEO hiện tại của Apple. Ảnh: AFP/The Telegraph.

Tim Cook, kiến trúc sư trưởng của chiến lược Trung Quốc và CEO hiện tại của Apple. Ảnh: AFP/The Telegraph.

Apple đã đầu tư rất nhiều vào việc đào tạo công nhân nhà máy cũng như máy móc đặc biệt chỉ có thể sử dụng cho các sản phẩm của mình – năm 2018, giá trị “tài sản dài hạn” của Apple tại Trung Quốc đạt đỉnh 13,3 tỷ USD. Nhưng họ càng đầu tư nhiều thì càng bị ràng buộc. Ví dụ, hiện tại, bao quanh các trung tâm Foxconn là hàng trăm nhà cung cấp phụ phục vụ mọi nhu cầu của Apple. “Bất cứ thứ gì chúng tôi muốn, chúng tôi đều có”, một kỹ sư nhớ lại. “Bất cứ điều gì chúng tôi cần, nó sẽ xảy ra”.

Apple nổi tiếng giữ bí mật, nhưng ông McGee đưa ra hàng chục câu chuyện trực tiếp cho thấy công ty về cơ bản đã biến thành một con nghiện Trung Quốc. Vào thời điểm các giám đốc điều hành của Apple nhận ra Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường đàn áp trong nước và đối đầu với nước ngoài, đã quá muộn để gỡ rối: ông McGee viết rằng mối quan hệ kinh doanh đó “không thể phá vỡ”.

Năm 2016, khi chính quyền Trung Quốc cho thấy rõ rằng bất cứ lúc nào họ muốn, họ có thể lấy đi nguồn lao động giá rẻ và dồi dào mà Apple phụ thuộc, ông Cook buộc phải thực hiện một chuyến đi đến trụ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Công ty cam kết đầu tư 275 tỷ USD vào Trung Quốc trong 5 năm sau, nhiều hơn gấp đôi so với Kế hoạch Marshall đã điều chỉnh lạm phát. Không có gì ngạc nhiên khi họ không công bố khoản đầu tư này với báo chí phương Tây.

Và sự đảo ngược vị thế không dừng lại ở đó. Kể từ năm 2017, Bắc Kinh đã đưa ra ngày càng nhiều yêu cầu đối với Apple, bao gồm để các công ty Trung Quốc được nhà nước trợ cấp giành nhiều đơn hàng sản xuất hơn và kiểm soát chặt hơn đối với nội dung được cho phép trên iPhone. Apple đã bắt đầu xem xét tăng sản xuất ở Ấn Độ, nhưng 90% công đoạn lắp ráp cuối cùng các sản phẩm vẫn diễn ra tại Trung Quốc.

Một cửa hàng Apple ở Thượng Hải. Ảnh: Madeleine Jettro/Al/The Telegraph.

Một cửa hàng Apple ở Thượng Hải. Ảnh: Madeleine Jettro/Al/The Telegraph.

Khoản đầu tư khổng lồ của Apple vào Trung Quốc bắt đầu trông giống như giao kèo với quỷ dữ. Khi Apple bám rễ tại đây, họ trở nên phụ thuộc vào Đảng Cộng sản và cuối cùng trở thành đối tác cấp dưới trong nỗ lực hàng thập kỷ của Trung Quốc nhằm giành ưu thế về công nghệ so với Mỹ thông qua chuyển giao kiến ​​thức và cách làm.

“Trung Quốc cho phép Apple bóc lột công nhân của họ, để từ đó, Trung Quốc có thể bóc lột Apple”, ông McGee nhận xét. Trong khi Apple hưởng lợi từ Trung Quốc, Trung Quốc biến khoản đầu tư khổng lồ của công ty thành một bước đại nhảy vọt về công nghệ cho chính mình.

Chiến lược Trung Quốc của Apple đã tạo ra một hệ sinh thái khổng lồ các công ty công nghệ, bao gồm những thương hiệu như hãng ô tô điện BYD – khởi đầu là một đơn vị lắp ráp iPad cho Apple. “Trung Quốc đã lợi dụng nhu cầu ngắn hạn của Apple để phục vụ lợi ích dài hạn của mình một các xuất sắc”, ông McGee viết.

Để tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, Apple sẽ cần hàng trăm tỷ USD đầu tư và hàng thập kỷ để thực hiện, theo ông McGee. Nhưng một rủi ro mới đang xuất hiện: Đài Loan và nhà sản xuất chip TSMC. “Ngày nay, “hệ thống trên một vi mạch” chính trên tất cả iPhone, iPad, MacBook, Mac để bàn, AirPod và Apple Watch đều được làm ra trên một hòn đảo nhỏ” – Đài Loan – mà ông Tập đã đe dọa thôn tính. Chiến tranh hay thậm chí chỉ cấm vận Đài Loan sẽ làm Apple tê liệt hoàn toàn. Những động thái gần đây của Warren Buffett – bán 5 tỷ USD cổ phiếu TSMC và giảm mạnh vị thế tại Apple – theo ông McGee là vì rủi ro này.

Cuốn sách là lời cảnh báo rằng sự kiêu ngạo và thiếu tầm nhìn, đến mức gần như không hiểu biết về tình hình địa chính trị, cuối cùng sẽ tạo ra rủi ro khổng lồ, đe dọa sự tồn tại của bất kỳ công ty nào.

Tham khảo:

https://www.telegraph.co.uk/books/non-fiction/review-apple-china-patrick-mcgee/

https://nypost.com/2025/05/11/lifestyle/how-apple-invested-big-profited-greatly-and-sold-itself-to-china/

https://www.nytimes.com/2025/05/15/books/review/apple-in-china-patrick-mcgee.html