VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nhật có thể cùng Mỹ bảo vệ Đài Loan

Nhật có thể cùng Mỹ bảo vệ Đài Loan

10:59 - 06/07/2021

Phó Thủ tướng Nhật Bản nói rằng Tokyo có thể triển khai Lực lượng Phòng vệ nếu có biến cố xảy ra ở Đài Loan.

Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Tokyo có thể coi động thái này là “mối đe dọa đối với sự tồn vong của Nhật Bản” và triển khai Lực lượng Phòng vệ (SDF) để thực hiện quyền tự vệ tập thể, Phó Thủ tướng Taro Aso cho biết hôm thứ Hai.

“Nếu một sự cố lớn xảy ra [ở Đài Loan], sẽ không có gì lạ nếu nó đúng chạm đến tình huống đe dọa sự tồn vong”, Aso nói trong một bài phát biểu ở Tokyo. “Nếu đúng như vậy, Nhật Bản và Mỹ phải cùng nhau bảo vệ Đài Loan”.

Aso, người cũng giữ chức bộ trưởng tài chính, là một trong bốn thành viên nội các trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận trên tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận trên tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Phó thủ tướng Nhật Bản lưu ý rằng “tình hình Đài Loan đang trở nên cực kỳ căng thẳng”, đề cập đến phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về hòn đảo tự trị trong bài phát biểu tuần trước nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản.

“Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và cam kết không thể lay chuyển” của đảng, ông Tập nói hôm thứ Năm.

Do các quy định hạn chế trong hiến pháp của Nhật Bản đối với việc sử dụng các lực lượng vũ trang của mình, Tokyo chỉ được phép huy động SDF để phòng thủ quốc gia. Trước đây, kịch bản duy nhất mà SDF có thể sử dụng vũ lực liên quan đến một “tình huống tấn công vũ trang”, chẳng hạn như một cuộc tấn công có tổ chức và được tính toán trước nhằm vào lãnh thổ, vùng biển hoặc không phận của Nhật Bản.

Năm 2015, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã ban hành một loạt các luật an ninh nhằm mở rộng điều kiện triển khai SDF. Một khái niệm mới liên quan đến các tình huống đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản.

Trong một bài viết có tiêu đề “Những đóng góp tiềm năng của Nhật Bản trong dự phòng ở Biển Hoa Đông”, nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung của RAND Corp. cho biết khái niệm mới này có nghĩa là Nhật Bản không cần phải bị tấn công trực tiếp mới được triển khai SDF.

“Ví dụ, vì Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh, nếu Mỹ bị tấn công, điều này có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của Nhật Bản và do đó có thể được định nghĩa như vậy”, Hornung viết. “Đổi lại, điều này cho phép Nhật Bản sử dụng vũ lực như là một hành động tự vệ tập thể”.