VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»WTO hy vọng đạt thỏa thuận cắt giảm trợ cấp đánh cá sau 20 năm

WTO hy vọng đạt thỏa thuận cắt giảm trợ cấp đánh cá sau 20 năm

15:22 - 15/07/2021

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể đạt được thỏa thuận sẽ giúp giảm bớt các khoản trợ cấp đánh cá được cho là nguyên nhân chính của tình trạng đánh cá quá mức trên thế giới.

Các nhà đàm phán đang hy vọng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ giáng một đòn mạnh vào tình trạng đánh bắt cá quá mức sau 20 năm nỗ lực và nhờ đó xua tan những nghi ngờ về chức năng của chính tổ chức này.

WTO có 164 thành viên thường xuyên bất đồng về cách giải quyết tranh chấp. Trong nhiều năm, cơ quan giám sát thương mại toàn cầu đã không đạt được một thỏa thuận thương mại lớn nào. Các nhà phân tích cho rằng họ cần phải đạt được một thỏa thuận trong năm nay để duy trì uy tín của mình.

Thỏa thuận tiềm năng này có thể dẫn đến sự cắt giảm đáng kể các khoản trợ cấp đánh bắt cá phổ biến thường được cho là yếu tố lớn nhất làm cạn kiệt nguồn cá trên thế giới.

Các chính phủ trên thế giới trợ cấp tổng cộng 35,4 tỷ USD cho ngành đánh cá hàng năm.

Các chính phủ trên thế giới trợ cấp tổng cộng 35,4 tỷ USD cho ngành đánh cá hàng năm.

WTO cho biết họ đang “sắp đạt được” một thỏa thuận. Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala nói rằng cuộc họp cấp bộ trưởng, được tổ chức trực tuyến, “sẽ thúc đẩy chúng ta đi theo con đường hướng tới thỏa thuận”, trước khi ký kết thỏa thuận theo dự định vào một phiên họp tháng 11.

Một số đại biểu tỏ ra nghi ngờ hơn, cho rằng vẫn còn khoảng cách trong quan điểm về việc phân bổ trợ cấp giữa một bên là các thành viên giàu có như Liên minh châu Âu và một bên là các nước đang phát triển như Ấn Độ.

Alice Tipping, từ Viện Quốc tế cho Phát triển Bền vững, cho biết: “Nhiều thành viên cảm thấy rằng các nước trợ cấp nhiều hơn nên cắt giảm nhiều hơn các khoản trợ cấp của họ, xét đến tác động toàn cầu của việc đánh bắt cá của họ, cả trong lịch sử và hiện tại. Trong khi nhiều nước đang phát triển cảm thấy các quy định đối với họ nên khác biệt”.

Một đề xuất bí mật vào tháng 5 của các quốc gia châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương đã nêu ý kiến miễn trừ cho các thành viên chiếm ít hơn 2,5% sản lượng đánh bắt toàn cầu. Những nước khác cho rằng đề xuất này sẽ làm suy yếu toàn bộ thỏa thuận.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của các học giả và các viện ở Canada, Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc – nước trợ cấp nhiều nhất thế giới – chỉ chiếm 21% trong tổng số 35,4 tỷ USD trợ cấp cho ngành đánh cá của toàn thế giới. Trong khi đó, trữ lượng cá bền vững đã giảm từ 90% tổng trữ lượng vào năm 1990 xuống dưới 66% vào năm 2017, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết.

Một nghiên cứu năm 2018 của các nhà nghiên cứu người Mỹ, Canada và Úc đã phát hiện ra rằng phần lớn việc đánh cá ở các vùng biển quốc tế sẽ không có lợi nhuận nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước.

“Tại các vùng biển nơi các đội tàu xuất phát, nguồn cung bị tàn phá, vì vậy họ phải đi nơi khác và cạnh tranh với nhau”, Daniel Pauly, một nhà sinh vật học thủy sản tại Đại học British Columbia, Canada, cho biết. “Đây là một cuộc đua xuống đáy”.

Tipping nói rằng WTO đang gần đạt được một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Nhưng dự thảo vẫn còn 84 điểm chưa có được sự đồng thuận.

Các nhà đàm phán cho rằng Trung Quốc có thể giúp đỡ bằng cách từ bỏ phản đối trợ cấp trên biển quốc tế và EU cũng có thể từ bỏ phản đối trợ cấp nhiên liệu. Một số người cũng muốn Washington từ bỏ đề xuất hạn chế lao động cưỡng bức, một biện pháp tiết kiệm chi phí khác thúc đẩy việc đánh bắt quá mức.

“Đây là cơ hội cuối cùng cho một thỏa thuận”, Remi Parmentier của Friends of Ocean Action nói. “Nếu không, sẽ có một cuộc khủng hoảng [về lý do tồn tại của] WTO”.