VNReport»Top»6 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

6 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

16:45 - 20/07/2021

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta là máy tính, điện thoại, hàng dệt may, giày dép, nông lâm thủy sản.

Độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, với kim ngạch thương mại ở mức trên 200% GDP. Nước ta cũng tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, … để nhận được các ưu đãi và thuế quan, đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trên thế giới.

Trong nửa đầu năm 2021, 6 thị trường sau đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu trị giá 157,6 tỷ USD của Việt Nam (cao hơn 28,4% so với cùng kỳ).

1. Mỹ (45,1 tỷ USD)

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và đã giữ vị thế này trong nhiều năm liền. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đạt 45,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ nhập khẩu 7,8 tỷ USD từ Mỹ. Như vậy, thặng dư thương mại nửa đầu năm của Việt Nam so với Mỹ là 37,3 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ là hàng dệt may, hàng điện tử gồm máy vi tính và điện thoại, gỗ và giày dép. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ máy vi tính và các sản phẩm, linh kiện điện tử.

Năm ngoái, Mỹ đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước thao túng tiền tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng quyết định này đã bị đảo ngược và các tranh chấp liên quan đến tỷ giá VND/USD đã được giải quyết.

2. Trung Quốc (24,6 tỷ USD)

Trong nửa đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 24,6 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, cao hơn 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Việt Nam với kim ngạch 53,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh 53,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 78,2 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của nước ta. Mức nhập siêu 29,0 tỷ USD cũng là mức cao nhất của Việt Nam so với mọi quốc gia.

Nhóm hàng chế biến, chế tạo và vật liệu xây dựng là động lực tăng trưởng chính của thương mại 2 nước. Tuy nhiên, nhóm hàng nông thủy sản – mặt hàng xuất khẩu truyền thống từ Việt Nam sang Trung Quốc – đang gặp khó khăn do các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc với thực phẩm nhập khẩu trong tình hình dịch bệnh.

3. EU (19,3 tỷ USD)

Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 19,3 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong nửa đầu năm nay, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU 8,1 tỷ USD hàng hóa. Như vậy, nước ta đã xuất siêu sang khối này 11,2 tỷ USD.

Hà Lan đứng đầu 27 nước EU về nhập khẩu từ Việt Nam, với giá trị 3,9 tỷ USD. Đức cũng nhập khẩu 3,6 tỷ USD. Trong khi đó, Bỉ, Pháp, Áo, Tây Ban Nha và Ba Lan nhập khẩu hơn 1 tỷ USD từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được đi vào thực hiện tháng 8 năm ngoái là động lực cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU. Những mặt hàng được hưởng lợi từ hiệp định này bao gồm chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép, hóa chất, …

Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may, giày dép, thủy sản (đặc biệt là tôm), gạo cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng nhờ những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

4. ASEAN (13,8 tỷ USD)

Xuất khẩu của Việt Nam sang 9 nước thành viên còn lại của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng 26,3% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay, đạt 13,8 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 21,1 tỷ USD từ khối này trong cùng kỳ, đạt mức nhập siêu 7,3 tỷ USD.

Thái Lan là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam trong ASEAN, với giá trị 3,0 tỷ USD. Campuchia, Malaysia và Philippines đều nhập khẩu từ Việt Nam trên 2 tỷ USD.

Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước Đông Nam Á bao gồm: sắt thép, điện thoại, máy vi tính và sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, dệt may, … Trong số này, có các mặt hàng đã được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Thị trường ASEAN có vai trò quan trọng trong lịch sử thương mại của Việt Nam. Việc tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1995 là bàn đạp giúp Việt Nam ký kết được các hiệp định thương mại với các đối tác lớn như EU hay Mỹ.

5. Hàn Quốc (10,5 tỷ USD)

Hàn Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam lượng hàng hóa trị giá 10,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã tăng 15,2%.

Đáng chú ý, Hàn Quốc là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 vào Việt Nam, sau Trung Quốc. Quốc gia Đông Á này đã xuất khẩu sang nước ta lượng hàng hóa trị giá 25,3 tỷ USD trong nửa đầu năm. Mức thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc là 14,8 tỷ USD.

Nước này cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Tính lũy kế đến cuối tháng 5, Hàn Quốc đã đầu tư 9.076 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 72 tỷ USD.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng sang Hàn Quốc gồm: máy vi tính và hàng điện tử, điện thoại, máy móc thiết bị, hàng may mặc và đồ gỗ. Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh qua các năm, khi nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Hàn Quốc – Samsung – đang sản xuất một nửa số điện thoại của mình tại Việt Nam.

6. Nhật Bản (9,9 tỷ USD)

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 10,7 tỷ USD hàng hóa từ Nhật Bản, với mức thâm hụt thương mại 0,8 tỷ USD.

Dệt may, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị và thủy sản là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam máy vi tính, máy móc thiết bị và sắt thép với giá trị mỗi nhóm hàng hơn 1 tỷ USD.

Một điểm khác đáng chú ý là Nhật Bản cấp Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với số lượng lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác. Tính đến cuối năm 2019, nước này đã cho Việt Nam vay vốn theo hình thức ODA với giá trị lũy kế lên tới gần 24 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.