VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Làn sóng Covid-19 ở Việt Nam “đánh” vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Làn sóng Covid-19 ở Việt Nam “đánh” vào chuỗi cung ứng toàn cầu

09:32 - 10/08/2021

Các thương hiệu toàn cầu đang phải tìm nguồn cung dự phòng trong bối cảnh nhiều nhà máy ở Việt Nam buộc phải đóng cửa do làn sóng Covid gần đây, tờ Financial Times viết.

Sự gia tăng kỷ lục của số ca nhiễm Covid-19 đã buộc các nhà máy ở miền nam Việt Nam phải đóng cửa. Điều này gây ảnh hưởng đến một trong những trung tâm sản xuất hàng may mặc và giày dép lớn nhất thế giới và khiến các thương hiệu toàn cầu phải đi tìm nguồn cung dự phòng.

Số ca mắc mới hàng ngày của Việt Nam khoảng từ 7.000 đến 10.000 và hầu hết trong số hơn 200.000 ca nhiễm của cả nước được ghi nhận kể từ đầu tháng 7. TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thành phố lớn nhất Việt Nam đã áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kể từ 9/7, bao gồm các quy tắc về việc đi lại và lưu trú của người lao động.

Quân đội phun khử khuẩn ở Hà Nội để phòng dịch.

Quân đội phun khử khuẩn ở Hà Nội để phòng dịch.

Hai nhà cung cấp giày dép lớn – Pou Chen của Đài Loan, sản xuất giày cho Adidas và Nike, và Changshin của Hàn Quốc, cũng cung cấp hàng cho Nike – đã tạm ngừng hoạt động vào tháng trước.

Pou Chen đã ngừng sản xuất tại nhà máy Việt Nam lớn nhất của mình ở TP HCM vào ngày 14/7 và cho biết nhà máy này sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 9/8. Các nhà máy Việt Nam khác của công ty cũng đã buộc phải giảm quy mô hoạt động. “Các yêu cầu của chính quyền địa phương đã ảnh hưởng đến khả năng đến làm việc của người lao động và điều đó đã dẫn đến việc giảm năng lực sử dụng”, công ty cho biết.

Pou Chen đã xuất xưởng 244 triệu đôi giày trong năm ngoái, 44% trong số đó đến từ Việt Nam.

Tuần trước, Adidas đã cảnh báo rằng những hạn chế trong chuỗi cung ứng có thể khiến doanh số bán hàng thiệt hại 500 triệu euro vào cuối năm nay.

Feng Tay, một nhà sản xuất giày thể thao khác của Đài Loan, đã đóng cửa một số nhà máy vào tháng trước. Trên trang web của mình, công ty này tuyên bố rằng sản xuất 1/6 doanh số hàng năm của Nike.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết gần đây hơn 30% nhà máy dệt may của cả nước đã phải đóng cửa. Chủ tịch Hiệp hội cũng nói thêm rằng tỷ lệ tiêm chủng trong ngành dệt may vẫn rất thấp.

Tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam ở mức thấp, với chỉ khoảng 1% dân số đã được tiêm đầy đủ.

Các ca nhiễm Covid đã được báo cáo trên khắp Việt Nam và làm gián đoạn các lĩnh vực khác, bao gồm cả điện tử.

“Với việc tất cả các tỉnh thành của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Covid, tình hình không chắc chắn đến mức người mua phải áp dụng kế hoạch B hoặc C, bao gồm tìm kiếm nguồn cung từ quốc gia khác”, Ông Vũ Ngọc Khiêm thuộc Global Sources, một nền tảng thương mại điện tử liên kết nhà cung cấp châu Á với người mua ở nước ngoài, cho biết.

Samsung, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của Việt Nam, đã bị gián đoạn dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh trong những tháng gần đây sau khi một nhà cung cấp thiết bị ép phun ngừng hoạt động. Sự cố đã được giải quyết nhưng các nhà máy sản xuất thiết bị của tập đoàn công nghệ này gần TP HCM đang hoạt động với công suất khoảng một nửa. Các hoạt động dự kiến ​​sẽ “bình thường hóa” trong tháng này, công ty cho biết.

Eurasia Group, một công ty tư vấn, cho biết trong một lưu ý vào tuần trước rằng có những lo ngại đợt bùng phát Covid ở Việt Nam “có thể gây hại cho sản xuất trước nhu cầu cao điểm cuối năm/mùa lễ”.

Trong thời điểm căng thẳng thương mại Trung-Mỹ gia tăng, các công ty đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung của họ, tránh tập trung ở Trung Quốc. Nhờ lý do này, Việt Nam đã thu hút các khoản đầu tư mới và các hợp đồng cung cấp của các công ty toàn cầu trong nhiều ngành bao gồm điện tử và may mặc.