VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Đợt bùng phát Covid mới gây áp lực lên kinh tế Trung Quốc

Đợt bùng phát Covid mới gây áp lực lên kinh tế Trung Quốc

13:45 - 10/08/2021

Đợt lây nhiễm Covid mới do biến thể Delta là một thách thức nữa với triển vọng kinh tế Trung Quốc. Gần đây, một loạt dữ liệu và chính sách cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới yếu hơn dự báo.

Đợt bùng phát Covid nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc kể từ năm ngoái đã làm tăng thêm lo ngại về sự giảm tốc kinh tế ở nước này. Ủy ban Y tế Quốc gia hôm thứ Hai đã báo cáo 94 trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng lây truyền trong cộng đồng. Sự lan rộng của biến thể Delta đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ các nhà chức trách, bao gồm cả việc xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại.

Đợt lây nhiễm mới khiến Trung Quốc triển khai các biện pháp xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại.

Đợt lây nhiễm mới khiến Trung Quốc triển khai các biện pháp xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại.

Đợt bùng phát này là một thách thức khác đối với Bắc Kinh sau khi một loạt dữ liệu được công bố gần đây và các biện pháp chính sách chỉ ra rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch đang chịu nhiều áp lực.

Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Hai, giá thành tại nhà máy đã tăng 9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp những nỗ lực từ chính phủ nhằm hạn chế tác động của đợt tăng giá hàng hóa đã đẩy chi phí lên cao đối với các doanh nghiệp.

Dữ liệu được công bố vào thứ Bảy cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 19% tính theo USD trong tháng Bảy so với một năm trước đó, không đạt được kỳ vọng và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 32% trong tháng Sáu.

Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế sau khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% theo năm trong quý II, được thúc đẩy bởi mẫu số thấp vào năm 2020 khi nước này đang vật lộn với đại dịch. Tính theo quý, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1,3%.

Goldman Sachs đã hạ kỳ vọng tăng trưởng GDP thực trong quý III xuống 2,3% theo quý, so với 5,8% trước đó.

Các nhà phân tích cho biết: “Với việc virus lây lan đến nhiều tỉnh và chính quyền địa phương của Trung Quốc phản ứng nhanh chóng để kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta, chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy sự giảm bớt trong các dữ liệu tổng hợp quốc gia”.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết dữ liệu lạm phát đặt “các nhà hoạch định chính sách vào tình thế khó xử” vì “lạm phát đang tăng và tăng trưởng đang chậm lại”. Ông nói thêm rằng việc Trung Quốc giám sát chặt chẽ việc đi lại và thương mại xuyên biên giới có thể sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng.

Các hoạt động kinh tế đã bị ảnh hưởng vào đầu năm nay sau đợt lây nhiễm ở tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất, dẫn đến các biện pháp phong tỏa nghiêm trọng.

Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại ngân hàng Nhật Bản Mizuho, ​​cho biết sự lan rộng toàn cầu của biến thể Delta “có thể đã làm giảm nhu cầu toàn cầu”, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc.

Goldman Sachs dự đoán sẽ có sự phục hồi vào cuối năm nay. “Các dự báo của chúng tôi cho rằng chính phủ sẽ kiểm soát được đợt bùng phát virus trong khoảng một tháng và đợt bùng phát virus cũng như các biện pháp kiểm soát liên quan chủ yếu tấn công vào các hoạt động dịch vụ”.

Sự lây lan nhanh chóng của virus trong những tuần gần đây đã trở thành phép thử lớn nhất cho chiến lược diệt trừ virus của Trung Quốc.

Ít nhất 15 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, đã bị cơ quan giám sát chống tham nhũng của đảng này kỷ luật vào cuối tuần vì không ngăn chặn được đợt bùng phát tại sân bay chính của thành phố vào tháng trước.

Ma Xiaowei, giám đốc cơ quan này, kêu gọi các quan chức trong một bài phát biểu hôm Chủ nhật “hãy biến công tác phòng chống dịch trở thành vấn đề tối quan trọng”, đồng thời nói thêm rằng họ phải “vượt qua sự tê liệt về tư tưởng” khi chiến đấu với virus.