VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

14:59 - 17/08/2021

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã đạt trên 2,93 tỷ USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 7 đạt 477 triệu USD, tăng 50,4% so với tháng 7/2020.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt trên 2,93 tỷ USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam chi gần 3 tỷ nhập thức ăn chăn nuôi trong 7 tháng đầu năm

Argentina là thị trường nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất của Việt Nam. Thị trường này chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 1,03 tỷ USD, tăng 19,6%. Riêng trong tháng 7, nhập khẩu từ Argentina tăng 144% so với tháng trước đó và tăng 50,2% so với tháng 7/2020, đạt 196,7 triệu USD.

Nhập khẩu từ thị trường Mỹ trong tháng 7 đạt 65,5 triệu USD, tăng 49% so với tháng 6 và tăng 80% so với tháng 7/2020, nâng kim ngạch 7 tháng lên 479,2 triệu USD, tăng 77,7% so với cùng kỳ.

Lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập từ EU trong 7 tháng đầu năm cũng tăng trên 62% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 241,2 triệu USD. Trong khi đó, nguồn từ thị trường Đông Nam Á chỉ tăng 2,6%, đạt 191,7 triệu USD.

Những năm gần đây, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng bình quân 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi nhưng hiện nay do sản lượng một số loại ngũ cốc sụt giảm. Bên cạnh đó, các tác động của đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cộng thêm với nguồn cung trong nước còn hạn chế khiến giá thành nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi đang rất cao.

Trước đà tăng giá của thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể sớm có hồi kết, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Ủy ban Ngũ cốc Mỹ cũng đã có văn bản đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.