VNReport»Kinh tế»ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam

11:06 - 21/07/2022

ADB giảm dự báo tăng trưởng GDP chung của các nước châu Á đang phát triển, đồng thời giữ nguyên dự báo cho Việt Nam lần lượt ở mức 6,5% và 6,7% trong 2 năm tới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng của GDP của Việt Nam trong 2 năm tới, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng chung của các nước châu Á đang phát triển.

Trong báo cáo “Bổ sung triển vọng phát triển châu Á 2022”, ngân hàng phát triển đa phương này giữ nguyên dự báo rằng nền kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm sau sẽ tăng trưởng lần lượt 6,5% và 6,7%.

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, lĩnh vực sản xuất phục hồi nhanh hơn dự kiến, mở cửa đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.

Trong khi đó, giá hàng hóa toàn cầu cao hơn, đặc biệt là giá dầu sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong năm nay. Do đó, ADB giữ nguyên dự báo lạm phát trước đó là 3,8% cho năm 2022 và 4,0% trong năm sau.

ADB cũng giữ nguyên dự báo lạm phát của Việt Nam trong 2 năm tới, lần lượt 3,8% và 4,0%.

ADB cũng giữ nguyên dự báo lạm phát của Việt Nam trong 2 năm tới, lần lượt 3,8% và 4,0%.

Cũng trong báo cáo của mình, ADB cắt giảm dự báo tăng trưởng chung trong 2 năm tới cho các nước đang phát triển châu Á, khi sự phục hồi của khu vực bị thách thức bởi chiến tranh Nga-Ukraine, sự thắt chặt chính sách tiền tệ và các đợt phong tỏa Covid-19 của Trung Quốc.

Tổ chức này nhận định rằng mặc dù tác động của Covid-19 đang suy yếu ở hầu hết khu vực – ngoại trừ Trung Quốc – nhưng hậu quả kinh tế từ chiến tranh Nga-Ukraine đã gia tăng. ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của khu vực là 4,6% so với mức dự báo 5,2% hồi tháng 4, đồng thời ước tính cho năm 2023 giảm xuống còn 5,2% từ 5,3%. Châu Á đang phát triển bao gồm 46 thành viên của ADB, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhưng không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand.

ADB hạ dự báo GDP năm 2022 của mình cho tiểu vùng Đông Á – bao gồm Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan – cũng như Nam Á, nhưng tăng một chút dự báo cho Đông Nam Á, sau khi việc tái mở cửa hậu Covid thúc đẩy nhu cầu trong nước. Triển vọng khu vực Đông Á giảm chủ yếu vì Trung Quốc – nước đang chịu tác động kép từ các hạn chế Covid-19 và sự bất ổn trên thị trường nhà ở.

ADB dự báo ​​tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Bắc Kinh là khoảng 5,5%. Ngân hàng điều chỉnh dự báo cho Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống 4,0%, với “giả định tiêu dùng hộ gia đình phục hồi dần dần, lĩnh vực bất động sản ổn định, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng trong nửa cuối năm và các biện pháp của chính phủ để thúc đẩy nguồn cung tín dụng”.

Một mối đe dọa khác đối với khu vực đến từ lạm phát. Đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu và hàng hóa tăng vọt, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang thắt chặt chính sách. Và “các cơ quan quản lý tiền tệ ở các nước đang phát triển đang ngày càng làm theo, tăng lãi suất để chống lại sóng gió lạm phát và giảm áp lực bên ngoài, ngay cả khi tăng trưởng vẫn dưới xu hướng trước đại dịch”, ADB cho biết.

Ngân hàng nâng dự báo lạm phát năm 2022 và 2023 cho các nước đang phát triển ở châu Á lên lần lượt 4,2% từ 3,7% và 3,5% từ 3,1%, do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng. Mặc dù phần lớn khu vực Trung Á đang phải vật lộn với lạm phát 2 chữ số và của Ấn Độ cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 7%, ADB cho rằng về tổng thể, “lạm phát trung bình của khu vực vẫn ở mức vừa phải và thấp hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới”.

Trong phần còn lại của năm 2022, ngân hàng dự kiến ​​rủi ro nội bộ do ảnh hưởng kéo dài của việc Trung Quốc phong tỏa chuỗi cung ứng, cũng như việc nền kinh tế nước này chậm lại. Về tình hình ngoài khu vực, ADB chỉ ra sự tăng trưởng chậm chạp trên toàn cầu, giá lương thực tăng cao, hậu quả tồi tệ hơn từ cuộc chiến tranh ở Ukraine và những khó khăn về chính sách.

“Việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác mạnh tay thắt chặt tiền tệ – ngay cả khi được dự đoán trước – có thể gây tổn hại đến tăng trưởng và làm chao đảo các thị trường tài chính trong khu vực”, ADB cho biết.