VNReport»Kinh tế»ADB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,7%

ADB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,7%

14:32 - 28/04/2021

Theo ADB, các động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ là xuất khẩu, đầu tư và thương mại.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,7% trong báo cáo vừa công bố. So với mức dự báo đầu năm 6,3% của ADB, tổ chức này đã nâng dự báo tăng trưởng cho Việt Nam lên 0,4%. Mức dự báo mới của ADB cao hơn mục tiêu của Quốc hội 0,7% và mục tiêu của Chính phủ 0,2%.

Cũng theo báo cáo của ADB, mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt 7%.

Mức tăng trưởng thực tế và dự báo của các nước Đông Nam Á. Nguồn: ADB

Mức tăng trưởng thực tế và dự báo của các nước Đông Nam Á. Nguồn: ADB

ADB cho rằng động lực của tăng trưởng ở Việt Nam là sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư và thương mại. Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong 2021, đóng góp 3,5% vào tăng trưởng GDP. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn. Việc các đối tác thương mại lớn hồi phục kinh tế cũng sẽ làm tăng nhu cầu hàng xuất khẩu. Ngành xây dựng dự kiến sẽ hồi phục nhanh chóng do chính phủ tiếp tục triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn và mức lãi suất thấp thúc đẩy phát triển bất động sản.

Tăng trưởng đầu tư sẽ là một động lực quan trọng cho nền kinh tế trong năm nay và năm sau. Thành công trong kiểm soát dịch bệnh và Luật Đầu tư được thông qua vào tháng 1/2021 dự báo sẽ thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng đầu tư cũng sẽ được thúc đẩy bởi đầu tư tư nhân nhờ mức lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.

Chi tiêu tư nhân dự kiến sẽ phục hồi cùng với đầu tư tư nhân. Trong quý I/2021, doanh thu bán lẻ tăng 5,1%, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang hồi phục.

Lạm phát dự báo sẽ là 3,8% trong 2021 và 4,0% trong 2022. Đây là những mức cao hơn các năm trước do giá dầu tăng theo đà hồi phục kinh tế toàn cầu và chi tiêu nội địa tăng.

Thương mại dự báo vẫn phát triển mạnh trong năm 2021. Lý do là sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và Mỹ, 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam và việc nước ta tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Trong quý I/2021, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 2 tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ tăng lần lượt 34,3% và 32,8%. Xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ tăng 8,0% trong năm nay và năm sau. Nhập khẩu dự báo tăng 5,0% do sự phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giá dầu thế giới tăng. Thặng dư cán cân thương mại sẽ giảm xuống mức 2,0% GDP năm nay và 2,5% GDP năm sau.

Tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2021 nhờ các đợt cắt giảm lãi suất và nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp phục hồi. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12,0% trong năm nay. Các ngân hàng thương mại được chỉ đạo tiếp tục tái cấu trúc nợ và miễn giảm lãi suất đến hết năm 2021 để hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với tác động của COVID-19.

ADB cho rằng không nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ do thị trường chứng khoán và bất động sản đang tăng giá mạnh, lượng nợ xấu dự báo tăng sau khi hết dịch và lạm phát tăng nhẹ so với năm ngoái. Chính sách tài khóa vẫn nên được mở rộng do nhu cầu chi tiêu an sinh xã hội, chăm sóc y tế, tiêm vắc xin và hỗ trợ tài khóa bổ sung. Thâm hụt tài khóa có thể vượt kế hoạch trong năm 2021 là 4,0% GDP.

Rủi ro chính đối với nền kinh tế, theo ADB, là dịch bệnh tái bùng phát do các biến thể coronavirus mới và sự chậm trễ trong kế hoạch tiêm vắc xin. Do phụ thuộc vào nhu cầu quốc tế, nếu vắc xin COVID-19 triển khai chậm trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam có thể phải chịu tác động tức thì. Ngoài ra, rủi ro bong bóng tài sản cũng có thể tăng cao nếu tín dụng không được hướng vào các lĩnh vực sản xuất. Ở chiều ngược lại, nếu nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ hồi phục nhanh hơn dự kiến, triển vọng thương mại và tăng trưởng có thể được cải thiện đáng kể.

1 bình luận
    Bình luận của bạn