VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ai là nhà đầu tư mới vào Bamboo Airways?

Ai là nhà đầu tư mới vào Bamboo Airways?

09:35 - 17/03/2023

Hãng hàng không chưa tiết lộ danh tính của nhà đầu tư mới thay thế cho ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC. Nhưng Tổng giám đốc Bamboo Airways nhắc đến một khoản vay 8.000 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Him Lam của đại gia Dương Công Minh.

Sau gần 1 năm kể từ khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt, hãng hàng không Bamboo Airways cho biết đã “hoàn thành một phần thủ tục với nhà đầu tư mới”.

Ông Nguyễn Mạnh Quân – Tổng giám đốc Bamboo Airways – xác nhận vào ngày thứ Năm rằng hãng hàng không đã tìm được nhà đầu tư mới thay thế cho các cổ đông cũ gồm ông Quyết (cựu Chủ tịch Bamboo Airways) và các cổ đông có liên quan đến Tập đoàn FLC.

Bamboo Airways tìm được nhà đầu tư mới thay thế ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC.

Bamboo Airways tìm được nhà đầu tư mới thay thế ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC.

Ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, nhà đầu tư mới được cho là đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thanh toán các nghĩa vụ gốc và lãi đối với những khoản vay trước đây mà các cổ đông cũ dùng cổ phần của Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho ngân hàng. Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ một khoản tiền cho ông Quyết để nộp vào tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra, nhằm khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.

Hiện tại, Bamboo Airways chưa tiết lộ danh tính của nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, ông Quân có nhắc đến một khoản vay 8.000 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Him Lam đã giúp hãng vượt qua khó khăn, dần ổn định.

Him Lam là một doanh nghiệp có tiếng trong ngành bất động sản của đại gia Dương Công Minh. Vào tháng 8/2022, ông Minh trở thành cố vấn cấp cao cho HĐQT của Bamboo Airways.

Ngoài Him Lam, mạng lưới kinh doanh của ông Minh còn bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt, Công ty cổ phần Liên Việt Holdings …

Nếu bổ sung Bamboo Airways vào hệ thống các doanh nghiệp của mình, đại gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và bất động sản này sẽ tiến vào lĩnh vực hàng không vốn được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn của Việt Nam.

Ông Dương Công Minh (phải) trở thành cố vấn cấp cao cho HĐQT của Bamboo Airways từ tháng 8/2022.

Ông Dương Công Minh (phải) trở thành cố vấn cấp cao cho HĐQT của Bamboo Airways từ tháng 8/2022.

Tuy nhiên, việc tiếp quản Bamboo Airways đi kèm với nhiều áp lực về tài chính cho bất cứ nhà đầu tư nào. Hãng đang có các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng với các nhà cung cấp dịch vụ từ năm 2021 đến nay. Vì vậy, hãng xin được trả dần hàng tháng, thậm chí xin giảm 10% giá dịch vụ từ năm 2022. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng đang giải quyết nợ với đơn vị cho thuê máy bay.

Trước khi Bamboo Airways về tay chủ mới, khoản đầu tư của Tập đoàn FLC vào hãng hàng không này là 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways. Năm 2021, do hãng không có lãi nên FLC phải trích lập dự phòng đầu tư 373 tỷ đồng. Khoản dự phòng này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng.

Trước tình hình thua lỗ của Bamboo Airways cũng như khó khăn của FLC sau khi ông Quyết bị bắt, tập đoàn này phải tính đến việc thoái vốn. Cuối tháng 3 năm ngoái, ông Quyết bị bắt với cáo buộc “thao túng chứng khoán”, mở ra thời kỳ khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn FLC. Hiện tại, tất cả các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC đã bị hủy niêm yết hoặc đình chỉ giao dịch trên các sàn chứng khoán.