VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»AirAsia đang thảo luận để lập chi nhánh ở Việt Nam

AirAsia đang thảo luận để lập chi nhánh ở Việt Nam

15:58 - 28/06/2024

Hãng hàng không Malaysia AirAsia đang thảo luận để thành lập chi nhánh tại Việt Nam, đồng thời tăng cường sự hiện diện tại Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Campuchia.

Theo Giám đốc điều hành AirAsia Bo Lingam, ngành hàng không toàn cầu đã thay đổi khi việc tái mở cửa sau đại dịch giải phóng làn sóng nhu cầu du lịch bị dồn nén, khiến giá vé tăng nhanh hơn cả lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới.

Đồng thời, một loạt hạn chế trong chuỗi cung ứng từ giao máy bay chậm trễ đến bảo trì động cơ ngoài kế hoạch đã khiến nhiều hãng hàng không khó triển khai đủ số chuyến bay.

Ông cho biết thêm, đối với AirAsia, nhu cầu đó đang củng cố tham vọng thành lập mạng lưới hãng hàng không giá rẻ đầu tiên trên thế giới vào năm 2030, sử dụng các căn cứ ở Đông Nam Á làm trung tâm.

AirAsia đều thất bại trong 4 nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam trước đây.

AirAsia đều thất bại trong 4 nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam trước đây.

AirAsia thành lập vào năm 2001 khi mua lại một hãng hàng không bị phá sản chỉ có vài chiếc máy bay với giá 1 ringgit. Kể từ đó, AirAsia đã nhanh chóng vươn lên trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á. Đây cũng là hãng hàng không lớn nhất Malaysia tính theo quy mô đội tàu bay, khai thác các chuyến bay đến hơn 166 điểm đến trải dài trên 25 quốc gia.

AirAsia chưa thành lập pháp nhân nào tại Việt Nam và hiện chỉ khai thác các chuyến bay quốc tế trên máy bay mang quốc tịch nước ngoài. Hàng tuần, hãng cung cấp trung bình 117 chuyến bay kết nối một số thành phố của Việt Nam với Thái Lan và Malaysia.

Trước đó, hãng đã 4 lần cố gắng thâm nhập thị trường hàng không Việt Nam nhưng đều thất bại.

Năm 2005, AirAsia tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Tuy nhiên, người chiến thắng là Qantas của Australia.

Sau nỗ lực đầu tiên không thành công, hãng hàng không Malaysia cố gắng lần thứ hai vào năm 2007. Kiên trì với chiến lược liên doanh với các đơn vị trong nước để thành lập hãng hàng không mới, AirAsia đã chọn Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm đối tác.

Hai bên đạt được thỏa thuận trong đó AirAsia sẽ đảm nhiệm các chuyến bay và góp 30% vốn, còn Vinashin sẽ hoàn tất các thủ tục xin cấp giấy phép thành lập hãng hàng không. Tuy nhiên, kế hoạch cũng thất bại.

Năm 2010, AirAsia một lần nữa thất bại trong việc đưa thương hiệu của mình vào Việt Nam khi liên doanh với hãng hàng không tư nhân VietJet Air.

Đầu tháng 4/2017, hãng công bố liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ du lịch Thiên Minh Travel và Hàng không Hải Âu để thành lập một hãng hàng không mới, dự kiến ​​cất cánh vào năm 2018. Tuy nhiên, nỗ lực thứ tư này của AirAsia vẫn thất bại.

Sau nhiều biến động, thị trường hàng không Việt Nam đang nằm trong tay 2 “tay chơi” lớn: hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hãng hàng không tư nhân VietJet Air. Vietnam Airlines cũng nắm giữ gần 99% cổ phần của Pacific Airlines, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 10/2020, Qantas thoái vốn tại Pacific Airlines, tặng lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines.

Sau khi tiến hành tái cơ cấu, Pacific Airlines cất cánh trở lại vào ngày 26/6/2024, sử dụng máy bay Airbus A321 khai thác các chuyến bay trên một số đường bay nội địa.