VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Airbus đánh bại Boeing năm thứ ba liên tiếp

Airbus đánh bại Boeing năm thứ ba liên tiếp

09:34 - 11/01/2022

Airbus năm thứ 3 liên tiếp vượt qua đối thủ Boeing sau khi giao 611 máy bay trong năm 2021, tăng 8% so với 2020.

Airbus giữ ngôi vị nhà sản xuất máy bay phản lực lớn nhất thế giới năm thứ 3 liên tiếp trước đối thủ Boeing sau khi vượt mục tiêu giao 600 máy bay trong năm 2021.

Hãng máy bay châu Âu cho biết họ đã giao 611 máy bay tạo doanh thu vào năm ngoái, tăng 8% so với năm 2020. Hơn 2/3 trong số đó thuộc dòng máy bay phản lực thân hẹp phổ biến A320, chủ yếu được sử dụng trên các chặng ngắn và trung bình – lĩnh vực của ngành hàng không hồi phục nhanh hơn so với các chặng dài.

Hơn 2/3 số máy bay Airbus giao trong năm 2021 là dòng thân hẹp A320.

Hơn 2/3 số máy bay Airbus giao trong năm 2021 là dòng thân hẹp A320.

Airbus có tổng lượng đơn đặt hàng mới (không tính số lượng hủy) tăng gấp đôi trong 12 tháng qua với 771 máy bay. Hãng ghi nhận 507 đơn đặt hàng ròng. Airbus kết thúc năm với số đơn đặt hàng tồn đọng tương đương tổng cộng 7.082 máy bay.

Kết quả thể hiện mức độ mà Airbus đang vượt lên so với Boeing về giao hàng. Công ty Mỹ, dự kiến ​​báo cáo số liệu của mình vào thứ Ba, đã giao 302 máy bay trong năm 2021 tính đến cuối tháng 11. Tuy nhiên, Boeing có vẻ sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua về số lượng đơn đặt hàng, khi ghi nhận tổng lượng đơn đặt hàng mới 829 máy bay vào cuối tháng 11.

Guillaume Faury, CEO của Airbus, nói rằng kết quả kinh doanh mạnh mẽ của công ty cho thấy các hãng hàng không tự tin về sự tăng trưởng của ngành sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Airbus và các nhà cung cấp vẫn đang theo dõi chặt chẽ sự lây lan của biến thể Omicron mặc dù cho đến nay nó vẫn chưa gây ra gián đoạn đáng kể. Airbus có một nhà máy lắp ráp ở thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, gần đây thắt chặt đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

“Omicron có khả năng gây tác động đáng kể. Hiện tại, chúng tôi chưa quan sát thấy sự gián đoạn hoặc rủi ro sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi ở giai đoạn sau”, Faury nói.

Ông cho biết thêm, Airbus đang bám sát kế hoạch tăng cường sản xuất dòng máy bay A320 của mình, với mục tiêu 65 máy bay mỗi tháng vào mùa hè năm 2023. Một số nhà cung cấp và nhà sản xuất động cơ đã đưa ra lo ngại về đề xuất tốc độ sản xuất của công ty từ năm 2025 trở đi.

Faury cho biết công ty đang ở trong tình trạng “khá phức tạp về chuỗi cung ứng”, chỉ ra những thách thức bao gồm việc cung cấp nguyên liệu, logistics và sự có mặt của đội ngũ nhân viên. “Năm 2022 sẽ là một năm thú vị [nhưng] chúng tôi tiếp tục tin rằng đang đi đúng hướng để đạt được các kế hoạch tăng cường của mình”, ông nói thêm.

Sash Tusa, nhà phân tích tại Agency Partners, cho biết Airbus có “lượng đơn đặt hàng thực tế, đủ cao để đạt được tốc độ 65 [máy bay/tháng]”. “Năm nay, chuỗi cung ứng còn mong manh, nhưng nếu họ có thể vượt qua quý đầu tiên, tôi nghĩ Airbus có đủ khách hàng để giao 65 máy bay”.

Robert Stallard tại Vertical Research Partners cho biết ông dự kiến ​​chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục căng thẳng vào năm 2022 và xa hơn nữa khi cả Airbus và Boeing đều “tăng tốc độ [sản xuất máy bay] thân hẹp của họ với tốc độ khá nhanh đối với ngành hàng không vũ trụ”.