Alibaba đã đầu tư thêm 845,44 triệu USD vào Lazada – đơn vị thương mại điện tử Đông Nam Á của tập đoàn. Đây là động thái mới nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc nhằm củng cố vị thế của mình trong một khu vực đang cạnh tranh gay gắt.
Khoản đầu tư mới được thực hiện thông qua chi nhánh Singapore của Alibaba Group Holding, theo hồ sơ mà Lazada gửi cho cơ quan quản lý Singapore vào ngày 19/7.
Các nền tảng trong khu vực đang cạnh tranh khốc liệt cho chi tiêu của người tiêu dùng với sự trỗi dậy của những công ty như Shopee, do tập đoàn Sea của Singapore điều hành. Sự phát triển nhanh chóng của TikTok Shop – một tính năng trên ứng dụng video ngắn do ByteDance của Trung Quốc sở hữu – khiến cuộc cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn.

Lazada đang có 160 triệu người dùng ở Đông Nam Á.
Alibaba đã rót hàng tỷ USD vào Lazada – công ty tiên phong về thương mại điện tử ở Đông Nam Á trở thành một phần của tập đoàn Trung Quốc từ năm 2016. Lazada hợp tác chặt chẽ với Alibaba, khai thác các nguồn lực của tập đoàn trong nghiên cứu và phát triển, công nghệ và logistics.
Lazada đang có cơ sở người dùng 160 triệu tại các nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia và Việt Nam. Nền tảng này đặt mục tiêu nâng quy mô lên 300 triệu người dùng vào năm 2030.
Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á có một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 của Momentum Works, tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử ở khu vực đã tăng 1,8 lần từ năm 2020 đến năm 2022, đạt khoảng 100 tỷ USD, với Shopee và Lazada đứng đầu ở hầu hết các quốc gia.
Năm ngoái, Alibaba từng muốn huy động ít nhất 1 tỷ USD cho Lazada từ các nhà đầu tư ngoài, nhưng cuộc đàm phán rơi vào bế tắc. Sau đó, Alibaba dừng nỗ lực gọi vốn và quyết định tự bơm thêm tiền cho nền tảng này.
Năm nay, dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc, tập đoàn do tỷ phú Jack Ma sáng lập cho biết sẽ chia tách thành 6 công ty nhằm tăng khả năng huy động vốn và thực hiện IPO. Các công ty này sẽ phụ trách những mảng kinh doanh từ thương mại điện tử, điện toán đám mây đến truyền thông.