VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ấn Độ khó soán ngôi công xưởng thế giới của Trung Quốc

Ấn Độ khó soán ngôi công xưởng thế giới của Trung Quốc

12:08 - 14/12/2022

Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới nhưng khó có thể soán ngôi Trung Quốc để trở thành công xưởng toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, bất ổn chính trị gia tăng cộng với việc Trung Quốc triển khai một loạt biện pháp nghiêm ngặt theo chính sách “Zero Covid-19” đã khiến nhiều công ty bắt đầu dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc như một cách để tránh xa các rủi ro địa chính trị và giảm phụ thuộc vào một quốc gia trong chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh vị thế “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc bị lung lay, dường như không quốc gia nào sẵn sàng hưởng lợi hơn Ấn Độ.

Ấn Độ hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Nhà kinh tế học Michael Spence cho rằng Ấn Độ hiện là quốc gia đang bùng nổ và vẫn là điểm đến đầu tư ưa thích nhất. Trong khi đó, ông Chetan Ahya, đại diện của Morgan Stanley tại châu Á, đã dự đoán nền kinh tế Ấn Độ sẽ không ở vị trí thứ 5 thế giới quá lâu.

Theo Liên hợp quốc, năm 2023, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc. Về GDP, theo ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức vào năm 2027, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2022, tức là cao gấp đôi so với kinh tế thế giới (+3,2%).

Là một nền kinh tế lớn với dân số trẻ, Ấn Độ có tiềm năng trở thành một cường quốc sản xuất. Ấn Độ có dân số đông, tỷ lệ lao động cao, chấp nhận mức lương bèo bọt, nền tảng hạ tầng và công nghệ tốt. Tuy vậy, các chiến lược gia kinh tế không cho rằng Ấn Độ đủ sức thay thế Trung Quốc sản xuất cho cả thế giới.

Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 63 trong danh sách 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng dựa trên mức độ kinh doanh thuận lợi vào năm 2019. Mặc dù vị trí này đã cải thiện hơn so với vị trí thứ 142 vào năm 2014, Ấn Độ vẫn đứng sau Trung Quốc – quốc gia đứng ở vị trí thứ 31 vào năm 2019. Năm 2019 là năm cuối cùng Ngân hàng Thế giới tổng hợp chỉ số này do bê bối gian lận dữ liệu.

Ngoài ra, theo ông Gerdeman – CEO của nền tảng quản lý rủi ro chuỗi cung ứng Everstream, Trung Quốc có nhiều nhà máy sản xuất ở quy mô lớn, trong khi hầu hết các nhà máy ở Ấn Độ đều có quy mô vừa và nhỏ do các quy định ở nước này chỉ được thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, dù có lợi thế về nhân khẩu học, về địa lý và cơ sở hạ tầng được cải thiện trong vài năm qua song Ấn Độ vẫn thiếu sự liên kết. Trung Quốc đã xây dựng dây chuyển sản xuất lớn đến mức hầu hết nguyên vật liệu cần thiết để tạo ra một sản phẩm đều có thể được cung cấp và mua trong nước. Điều này cho phép các công ty sản xuất với chi phí thấp trên quy mô lớn. Ngược lại, Ấn Độ chưa có khả năng này và phải mất nhiều năm để xây dựng.

Theo nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Michael Spence, Trung Quốc còn sở hữu nhiều yếu tố mà không phải bất kỳ một quốc gia nào cũng có được như một bộ máy nhà nước toàn năng có khả năng phản ứng kịp thời với những thay đổi ở bên ngoài; có bề dày công nghiệp với nhịp độ phát triển nhanh và lâu dài cùng chuỗi cung ứng đã được thiết lập và hoàn thiện từ rất lâu…

Do đó, bất chấp những dự báo về “ngày tàn” của gã khổng lồ sản xuất châu Á, Trung Quốc vẫn đang thể hiện vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế khu vực châu Á nhờ các ngành công nghiệp năng động và siêu cạnh tranh.