VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ấn Độ là nước đầu tiên đáp xuống cực nam mặt trăng

Ấn Độ là nước đầu tiên đáp xuống cực nam mặt trăng

14:01 - 24/08/2023

Tàu Chandrayaan-3 đổ bộ xuống cực nam của mặt trăng vài ngày sau khi một sứ mệnh tương tự của Nga thất bại.

Ấn Độ đáp thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-3 xuống cực nam của mặt trăng ngày 23/8, vài ngày sau khi một sứ mệnh tương tự của Nga thất bại khi tàu của họ đâm vào bề mặt mặt trăng.

Ấn Độ là nước đầu tiên chạm tới phần đó của bề mặt mặt trăng, thành tựu được kỳ vọng sẽ khởi đầu một kỷ nguyên khám phá vũ trụ mới. Các nhà khoa học hy vọng có thể khai thác nguồn nước ở cực nam mặt trăng để tạo điều kiện thuận lợi cho các sứ mệnh đến những phần khác của hệ mặt trời và nỗ lực trong tương lai nhằm định cư lâu dài trên mặt trăng.

“Chúng ta đã hạ cánh nhẹ nhàng trên mặt trăng”, Chủ tịch cơ quan vũ trụ Ấn Độ S. Somanath cho biết. “Ấn Độ đang ở trên mặt trăng”.

Thiết bị đổ bộ – gắn xe tự hành – chạm xuống bề mặt mặt trăng vào khoảng 19h30 giờ Việt Nam. Cuộc đổ bộ được phát trực tuyến trên trang web của cơ quan vũ trụ Ấn Độ và chiếu trên hầu hết các kênh tin tức.

Tàu Chandrayaan-3 vài giây trước khi đổ bộ thành công xuống mặt trăng.

Tàu Chandrayaan-3 vài giây trước khi đổ bộ thành công xuống mặt trăng.

Thủ tướng Narendra Modi – đang tham gia hội nghị thượng đỉnh Brics – ca ngợi các nhà khoa học Ấn Độ đã làm việc chăm chỉ để đưa tàu vũ trụ của Ấn Độ “đến phần của mặt trăng nơi chưa có quốc gia nào đặt chân tới trước đó”.

Ông cho biết cuộc đổ bộ là một thành tựu chung của loài người. “Sứ mệnh lên mặt trăng thành công của Ấn Độ không chỉ của riêng Ấn Độ”, ông Modi nói. “Thành công này thuộc về toàn thể nhân loại. Và nó sẽ hỗ trợ các sứ mệnh lên mặt trăng của các quốc gia khác trong tương lai”.

Ấn Độ là nước thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc đổ bộ thành công lên mặt trăng. Thành tích này càng củng cố thêm vị thế của đất nước với tư cách là một quốc gia có vai trò lớn trên toàn cầu trong lĩnh vực vũ trụ, vốn do Mỹ và Nga thống trị trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc cũng nổi lên như một cường quốc trong không gian, đưa tàu đổ bộ của mình lên mặt trăng và triển khai trạm vũ trụ trong những năm gần đây.

Thành tựu của Ấn Độ càng đáng chú ý hơn với ngân sách dành cho cơ quan vũ trụ rất nhỏ. Ấn Độ năm nay chi 1,5 tỷ USD cho Bộ Vũ trụ, bao gồm tài trợ cho Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ. Ngân sách của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) là 25 tỷ USD. Năm 2014, ông Modi khoe rằng Ấn Độ đã gửi một tàu thăm dò lên quỹ đạo sao Hỏa với chi phí chỉ 74 triệu USD. Theo một bản tin Ấn Độ dẫn lời cựu giám đốc cơ quan vũ trụ, chi phí ước tính của cuộc đổ bộ lên mặt trăng tương tự như sứ mệnh sao Hỏa.

Ấn Độ có thể giữ chi phí thấp một phần nhờ mức lương của các nhà khoa học thấp hơn so với Mỹ hoặc những nước khác có chương trình không gian lớn, và nhờ tiết kiệm nhiên liệu bằng cách sử dụng tên lửa nhỏ hơn và lập quỹ đạo để được trọng lực hỗ trợ.

Theo các chuyên gia vũ trụ, khu vực cực nam khó đáp hơn do các tảng đá đổ bóng dài và miệng núi lửa lớn. Giám đốc Roscosmos – cơ quan vũ trụ của Nga – đưa ra khả năng thành công là 70%. Cuối tuần trước, trong nỗ lực trở thành nước đầu tiên đổ bộ ở khu vực này, tàu Luna-25 không người lái của Nga đã đâm vào mặt trăng.

Một số quốc gia và công ty tư nhân khác cũng có kế hoạch đưa các thiết bị nghiên cứu lên bề mặt mặt trăng. Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản dự kiến ​​ phóng một tàu lên mặt trăng ngay trong tháng này, NASA cho biết. Intuitive Machines và Astrobotic Technology – 2 công ty của Mỹ – có thể sẽ phóng tàu đổ bộ mặt trăng của họ vào cuối năm nay trong những sứ mệnh được NASA hỗ trợ. Cơ quan vũ trụ Mỹ cũng chuẩn bị đưa các phi hành gia đến cực nam mặt trăng vào cuối năm 2025.