VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ấn Độ sẽ sớm vượt Trung Quốc thành nước đông dân nhất thế giới

Ấn Độ sẽ sớm vượt Trung Quốc thành nước đông dân nhất thế giới

16:47 - 18/01/2023

Ấn Độ chuẩn bị vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.

So với một năm trước, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người trong năm 2022, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ những năm 1960. Sự thay đổi này nhiều khả năng đã biến Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới.

Theo ước tính của World Population Review (WPR) – một tổ chức độc lập về điều tra dân số và nhân khẩu học có trụ sở tại Mỹ, dân số Ấn Độ tính đến cuối năm 2022 là 1,417 tỷ, cao hơn 5 triệu so với dân số Trung Quốc.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc ước tính Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối năm nay. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021, Ấn Độ không công bố dữ liệu tổng điều tra dân số.

Ấn Độ có thể đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Với dân số trong độ tuổi lao động tăng cao, Ấn Độ có lợi thế để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt khác chính phủ Ấn Độ cũng phải giải quyết việc làm cho hàng triệu người tham gia lực lượng lao động mỗi năm, khi ngày càng nhiều nông dân ở quốc gia Nam Á này từ bỏ công việc đồng áng.

Theo dữ liệu năm 2021 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ hiện ở mức hơn 900 triệu người. Con số này dự kiến ​​sẽ đạt hơn 1 tỷ trong thập kỷ tới.

Ttrong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Ấn Độ chỉ ở mức 46%, thuộc hàng thấp nhất châu Á, so với 68% của Trung Quốc và 61% ở Mỹ.

Tỷ lệ lao động nữ ở Ấn độ còn đáng báo động hơn khi chỉ rơi vào khoảng 19% vào năm 2021, giảm từ 26% vào năm 2005. Nếu không giải quyết tốt bài toán việc làm, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với khả năng bất ổn xã hội.

Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ trong tháng 12/2022 ở mức 8,3%. Trong khi, tỷ lệ này của Mỹ vào khoảng 3,5% vào cuối năm ngoái.

Thực tế chỉ ra rằng, Ấn Độ có dân số thanh niên lớn nhất thế giới song quốc gia này chưa tận dụng được cơ hội quý giá về nguồn lao động để thúc đẩy tăng trưởng. Hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học ở Ấn Độ, bao gồm cả những người có bằng tiến sĩ, cuối cùng vẫn phải làm các công việc thấp kém hoặc nhân viên văn phòng với mức lương dưới 300 USD/tháng.

Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, Ấn Độ đã đạt được một số tiến bộ trong việc thúc đẩy sản xuất bằng cách thu hút những gã khổng lồ quốc tế như Apple sản xuất nhiều hơn ở nước này. Tuy nhiên, theo số liệu của WB, các nhà máy vẫn chỉ chiếm 14% GDP của Ấn Độ.

Với dự báo GDP tăng trưởng 6,8% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 tới, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này là “không đủ”.

Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ trước Covid-19 và sự phục hồi tương đối mạnh mẽ sau đại dịch, khoảng 800 triệu người dân nước này vẫn sống dựa vào trợ cấp lương thực từ chính phủ. Để duy trì tăng trưởng việc làm, GDP của Ấn Độ sẽ cần tăng từ 8,0 – 8,5% hàng năm trong thập kỷ tới, theo báo cáo của Mckinsey.