VNReport»Kinh tế»Tài chính»Bain Capital quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam sau thương vụ Masan

Bain Capital quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam sau thương vụ Masan

15:32 - 23/10/2023

Một đối tác tại công ty đầu tư của Mỹ cho biết Việt Nam là một trong những thị trường thú vị nhất Đông Nam Á.

Công ty đầu tư Bain Capital có trụ sở tại Mỹ đang đặt cược lớn vào Việt Nam sau khi chốt khoản đầu tư đầu tiên vào đất nước: mua 200 triệu USD cổ phiếu chuyển đổi của Tập đoàn Masan.

“Việt Nam là một trong những thị trường thú vị nhất ở Đông Nam Á”, Sarit Chopra – một đối tác tại Bain Capital – cho biết.

Ông cũng nhận thấy câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam tương tự như của Ấn Độ, với dự báo tăng trưởng GDP ở mức một chữ số cao trong thập kỷ tới, dân số lao động đông và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Bain Capital mua 200 triệu USD cổ phiếu Masan trong khoản đầu tư đầu tiên của mình vào Việt Nam.

Bain Capital mua 200 triệu USD cổ phiếu Masan trong khoản đầu tư đầu tiên của mình vào Việt Nam.

Theo một báo cáo của DealStreetAsia, Việt Nam vượt qua Indonesia để giành vị trí thứ hai về huy động vốn trong quý II/2023, thu về tổng số tiền 413 triệu USD. Sau 6 quý giảm dần, Việt Nam cũng trở lại với số lượng thương vụ phục hồi đáng kể.

“Đất nước này cũng đang hưởng lợi từ Trung Quốc cộng một và những chủ đề khác. Đây là câu chuyện tăng trưởng cấu trúc dài hạn và chúng tôi muốn tham gia vào nó. Masan là doanh nghiệp gắn liền với câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng đó”, ông Chopra giải thích lý do đầu tư vào Masan.

Từng được biết đến với lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Masan đã chuyển đổi sang nền tảng bán lẻ đa kênh hiện đại thông qua tái cấu trúc và đầu tư mạnh mẽ. Công ty hiện không chỉ là người chơi lớn trong lĩnh vực FMCG và bán lẻ mà còn trong lĩnh vực dinh dưỡng động vật, đã tích hợp công nghệ vào nền tảng của mình.

“Có rất nhiều dư địa để tăng trưởng vì các phân khúc thị trường mà Masan hiện diện vẫn ít được thâm nhập”, ông Chopra cho biết

Bain Capital tham gia cùng một loạt các nhà đầu tư toàn cầu khác tại Masan, bao gồm TPG, Cơ quan đầu tư Abu Dhabi, GIC, SeaTown Holdings do Temasek hậu thuẫn, Alibaba và SK Group.

Bain Capital có thể xem xét các cơ hội khác ở Việt Nam. Với quy mô đầu tư vào Masan, các mục tiêu rất có thể sẽ là những tập đoàn lớn hơn chứ không phải là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Chopra cho biết.

Theo trang web của mình, Bain Capital đã đầu tư 28 tỷ USD vào chiến lược tình huống đặc biệt kể từ khi thành lập và quản lý tài sản trị giá khoảng 16 tỷ USD. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đại diện cho phần lớn các khoản đầu tư tình huống đặc biệt trên toàn cầu của Bain Capital trong thập kỷ qua.

Đầu tư tình huống đặc biệt nghĩa là cung cấp các giải pháp vốn riêng, chẳng hạn như nợ hoặc vốn chủ sở hữu có cấu trúc, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp.

Ở Đông Nam Á, hoạt động đầu tư tình huống đặc biệt của Bain Capital cũng đã rót tiền vào Thái Lan, Indonesia và Malaysia. “Đông Nam Á là một thị trường quan trọng vì khía cạnh tăng trưởng của khu vực này”, ông Chopra cho biết.

Ông nói rằng ngay cả khi nhu cầu chưa được đáp ứng đối với các doanh nghiệp định hướng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng, thị trường vốn của khu vực vẫn thiếu chiều sâu và các ngân hàng có xu hướng chỉ hoạt động theo công thức và thâm nhập sâu vào thị trường nội địa.

“Các công ty Đông Nam Á đang mở rộng tầm khu vực hoặc mở rộng sang các ngành kinh doanh mới, điều này đòi hỏi nguồn vốn mà chúng tôi có thể cung cấp”, ông Chopra cho biết “Chúng tôi là một nhà đầu tư dài hạn và muốn tận hưởng câu chuyện tăng trưởng. Chúng tôi muốn thấy tăng trưởng trở thành hiện thực trước khi tìm cách thoái vốn”.