VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng khoảng 10%

Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng khoảng 10%

14:20 - 20/01/2025

Nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi và cho thấy những tín hiệu tích cực sau những khó khăn do đại dịch gây ra. Theo các chuyên gia, trong năm 2025 này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng khoảng 10%. Dự báo doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10-10,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhiều dự báo trong năm 2025 này, người tiêu dùng sẽ có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, đi kèm cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, dự báo năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10 – 10,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Mới đây nhất, Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 do Công ty CP Chứng khoán phát hành tháng 1/2025 nêu rõ, năm 2025, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong xu hướng phục hồi thận trọng.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá năm 2024 ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,0% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 8,3% so với năm trước. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ năm 2024 thấp hơn mức tăng trưởng khoảng 10,9%. Lý giải điều này, báo cáo nêu rõ là do nhu cầu tiêu dùng trong năm 2024 phục hồi chậm. Điều này xuất phát từ việc thu nhập của người tiêu dùng vị hạn chế sau đại dịch. Được biết, tính đến tháng 12/2024, chỉ số làm việc trong ngành công nghiệp giảm tháng thứ ba liên tiếp, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Song, theo báo cáo, sang đến thời điểm đầu năm 2025, một vài chỉ số đã tăng, điển hình như niềm tin tiêu dùng đã được cải thiện, khả năng tiết kiệm cũng tăng, tạo nền tảng cho nhu cầu tiêu dùng phục hồi rõ ràng hơn vào năm 2025. Đây chính là tiền đề để báo cáo đưa ra dự đoán thị trường bán lẻ đang dần hồi phục. Báo cáo cũng nhận định, tốc độ phục hồi sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2025 khi thị trường lao động khởi sắc hơn.

Dự báo năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10 – 10,5% so với cùng kỳ năm 2024

Một nghiên cứu khác của các chuyên gia thuộc Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đã đưa ra nhận định cấu trúc nhân khẩu học trong độ tuổi lao động và thanh toán số là các yếu tố dẫn dắt đà tăng trưởng của bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ.

Cụ thể, theo TPS, hiện đang có 62% nhân khẩu trong độ tuổi lao động, cùng với 40% sử dụng ứng dụng ngân hàng để mua sắm đã thúc đẩy mạng lưới bán lẻ phát triển. Chưa kể đến, thu nhập của người dân cải thiện, tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng là yếu tố thuận lợi cho tiêu dùng bán lẻ khởi sắc.

Một nhóm phân tích khác cũng cho rằng, doanh thu bán lẻ ở Việt Nam sẽ trở lại trên mức 10% trong năm 2025.

Theo đó, nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 2025 sẽ trở lại trên mức 10% như giai đoạn trước Covid-19, khi tâm lý người tiêu dùng được củng cố.

FPTS cho rằng, từ năm 2017, Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số vàng và dự báo, giai đoạn này sẽ kéo dài đến năm 2029, đồng thời tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2050 có thể đạt 57,3%. Mặt khác, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ có thể sớm gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng. Đây chính là cơ hội để thị trường bán lẻ Việt Nam phục hồi và khởi sắc thời gian tới.

Bắt kịp mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp đã có những động thái tích cực.

Điển hình là AEON Việt Nam, được biết, giữa tháng 1 vừa qua, AEON đã mở rộng hệ thống của mình với trung tâm mua sắm mới tại Xuân Thủy, Hà Nội, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng.

Trong khi đó, thương hiệu thời trang Nhật Bản MUJI cũng đã tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam với 6 cửa hàng mới, bao gồm cả tại Huế. Sự mở rộng của MUJI sau khoảng 3 năm có mặt ở Việt Nam cho thấy thị trường bán lẻ nội địa cải thiện tích cực, sau thời gian ảm đạm. Những động thái này cho thấy sự lạc quan của các doanh nghiệp vào triển vọng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Mặt khác, về xu hướng bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể.

Theo đó, bán lẻ hiện đại đang ngày càng chiếm ưu thế so với bán lẻ truyền thống. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại hơn là các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của ngành bán lẻ. Xu hướng này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng thích nghi với lối sống hiện đại và ưa chuộng sự tiện lợi.

https://congthuong.vn/ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-co-the-tang-khoang-10-370119.html