VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Bán thuốc online sẽ được phép kinh doanh trên nền tảng nào?

Bán thuốc online sẽ được phép kinh doanh trên nền tảng nào?

10:03 - 16/12/2024

Hiện nay, ngành y tế đã triển khai các hình thức bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử…, tuy nhiên không phải nền tảng nào cũng được phép bán thuốc online.

Trong thời đại 4.0, thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu của nhiều người. Không chỉ quần áp, đồ dùng gia đình mà ngay cả dược phẩm cũng được bán online. Tuy nhiên, việc bán thuốc online đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng, độ an toàn và tính pháp lý. Không phải nền tảng nào cũng được phép bán thuốc online.

Theo đó, với 426/430 đại biểu tán thành, mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Một trong những điểm mới đáng chú ý, luật đã bổ sung quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được phép bán theo phương thức thương mại điện tử; bổ sung quyền, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dược theo phương thức này.

Cụ thể, trong luật có quy định, bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử chỉ được bán lẻ thuốc không kê đơn, mà thuốc đó không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt và không thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ. Trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Đồng thời tuân thủ quy định khác của Chính phủ về bán buôn thuốc và nguyên liệu làm thuốc, bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Đáng chú ý, trong đó, có quy định về các nền tảng được phép bán thuốc online.

Theo quy định mới được bổ sung, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, trang thông tin điện tử (còn gọi là website thương mại điện tử) bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Hiện nay, có 900 website thương mại điện tử có chữ cái đầu viết tắt là thuốc hoặc pharma.

Như vậy, các cơ sở kinh doanh dược chỉ được bán thuốc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử này, không bán thuốc tại trên các nền tảng khác như mạng xã hội. Hơn nữa, cũng giống như các mặt hàng khác được phép bán trên các sàn thương mại điện tử, khi bán thuốc trên không gian mạng, cơ sở kinh doanh dược cũng cần có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, thương mại điện tử, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định. Đây là điểm được rất nhiều đại biểu tán thành. Theo đó, khi thực hiện hoạt động mua bán thuốc, cơ sở bán thuốc phải xác định rõ đối tượng khách hàng và giao dịch. Nếu là bán buôn, khách hàng phải là cơ sở có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Còn nếu là bán lẻ, khách hàng phải là người tiêu dùng và không được phép mua thuốc kê đơn qua thương mại điện tử.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng của thuốc, người bán thuốc trên các nền tảng này cần đăng tải đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt theo quy định của Chính phủ. Mặt khác, cần thông báo việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh bảo mật thông tin và đảm bảo chất lượng thuốc, nhằm đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong giao dịch, Luật cũng bổ sung điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc. Các điều kiện này làm rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan đến dược phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cụ thể, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc phải có văn bằng chuyên môn theo quy định và có 2 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Tính đến năm 2024, thị trường thuốc online tại Việt Nam đang đạt khoảng từ 5 – 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Có 900 trên 52.000 website thương mại điện tử bán hàng và được Cục Thương mại điện tử phê duyệt có chữ cái đầu viết tắt là thuốc hoặc pharma. Trong bối cảnh bán thuốc online trở thành xu hướng như hiện nay, Luật Dược sửa đổi mới được phê duyệt đã lấp đầy khoảng trống pháp lý cũng như giải quyết được phần nào khó khăn của cơ quan quản lý với thuốc online.

https://tuoitre.vn/ban-thuoc-online-se-duoc-phep-kinh-doanh-tren-nen-tang-nao-20241214123922608.htm