VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

Bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

14:43 - 24/09/2024

Xăng dầu là nguồn nhiên liệu chủ yếu cho các phương tiện giao thông, máy móc trong sản xuất công nghiệp, và các hoạt động thương mại. Hầu hết mọi lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, giao thông vận tải và sản xuất điện năng đều cần đến xăng dầu. Do đó, nếu không đảm bảo cung ứng xăng dầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu

Xăng dầu là nguồn năng lượng chính cho sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày của người dân, có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Chính vì thế, việc bảo đảm cung ứng xăng dầu không chỉ giúp duy trì hoạt động sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của giá cả hàng hóa và dịch vụ. Trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho người tiêu dùng là một thách thức lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 99/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình. Trong đó, Thủ tướng nêu rõ các thương nhân đầu mối thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo với quyết tâm không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước Nhân dân nếu để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Được biết, thời điểm năm 2022, tình hình chính trị bất ổn với xung đột tại Ukraine cộng thêm với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã khiến giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Điều này đã dẫn đến việc các quốc gia phải đối mặt với giá xăng dầu cao hơn. Trong khi đó, Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu với khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ. Sự biến động giá cả và nguồn cung từ các nước xuất khẩu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung trong nước. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải và sản xuất, đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất do thiếu xăng dầu. Bên cạnh đó, thiếu hụt xăng dầu đã đẩy giá cả hàng hóa tăng lên, gây áp lực lên chi phí sinh hoạt của người dân. Nhiều mặt hàng thiết yếu cũng bị ảnh hưởng. Lịch sử chuỗi cung ứng xăng dầu bị đứt gãy xăng vào năm 2022 là bài học lớn cho Việt Nam sau này.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết

Công điện số 99 ngày 23/9 vừa qua đã nêu rõ thời gian tới dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ nhất là xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải, giá vàng… Chính vì thế, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

Theo Bộ Công Thương, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024, hai nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn và Bình Sơn) sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước nhập khẩu khoảng 3,6 triệu m3 tấn. Trong khi đó, ước tiêu thụ 4 tháng cuối năm đạt hơn 8 triệu m3/tấn (bình quân khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng); tồn kho từ 1,8 – 2 triệu tấn.

“Nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân” – bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định. Bà Hiền yêu cầu các DN đầu mối trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của DN để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra

Đáng chú ý, tại công điện số 99/CĐ-TTg, Thủ tướng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Công Thương theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp; chỉ đạo, hướng dẫn việc điều tiết, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn.

Ngoài ra, bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu phù hợp, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, bảo đảm mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối trong việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Đồng thời tiếp tục thực hiện kiểm tra giám sát, yêu cầu các cửa hàng bán lẻ, thương nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Triển khai dự trữ quốc gia xăng dầu theo kế hoạch.

Yêu cầu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn để khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Các Tập đoàn, công ty xăng dầu chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tổ chức vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, đại lý bảo đảm việc sản xuất, dự trữ, kinh doanh đầy đủ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tạo nguồn hàng, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.

Theo: https://vtv.vn/kinh-te/bao-dam-cung-ung-xang-dau-cho-san-xuat-kinh-doanh-va-tieu-dung-20240923234843687.htm