VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»“Việt Nam xúc tiến mua hệ thống phòng không của Israel”

“Việt Nam xúc tiến mua hệ thống phòng không của Israel”

17:48 - 21/08/2022

Tờ Haaretz đưa tin rằng một phái đoàn Việt Nam sẽ đến Israel vào tháng 9 để xúc tiến thương vụ 500 triệu USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8 do Israel Aerospace Industries sản xuất.

Tờ Haaretz của Israel đưa tin, một phái đoàn cấp cao từ Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ đến thăm Israel vào tháng 9 với tư cách là khách của Israel Aerospace Industries (IAI), nhằm thúc đẩy việc mua 500 triệu USD 3 trong số 8 hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8 của công ty quốc phòng này. Phái đoàn do Phó tư lệnh lực lượng không quân và trưởng lực lượng phòng không của Việt Nam dẫn đầu.

Năm 2015, Việt Nam từng mua hệ thống phòng không Spyder của một công ty Israel khác là Rafel Advanced Defense Systems với giá 600 triệu USD, trong thỏa thuận quân sự lớn nhất từ trước đến nay giữa 2 nước.

Gần đây, Rafael đàm phán với không quân Việt Nam để bán thêm 3 hệ thống Spyder, nhưng theo các nguồn tin của Hareetz tại Việt Nam, Hà Nội không hài lòng với Rafael và quyết định ưu tiên cho IAI.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8 do IAI và Ấn Độ cùng phát triển.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8 do IAI và Ấn Độ cùng phát triển.

Hệ thống Barak 8 của IAI được thiết kế nhằm bảo vệ trước một loạt các mối đe dọa, bao gồm máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm. Nó có thể được triển khai trên đất liền hoặc trên biển và được IAI và Ấn Độ cùng phát triển, mở đường cho việc ký kết hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD vào năm 2017 giữa 2 bên – hợp đồng quân sự lớn nhất giữa Jerusalem và New Delhi.

Trong chuyến đi của phái đoàn Việt Nam tới Israel vào tháng tới, phái đoàn sẽ gặp người đứng đầu Lực lượng Không quân Israel và các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Israel.

Trong khoảng một thập kỷ rưỡi gần đây, Việt Nam trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất cho ngành công nghiệp quốc phòng của Israel. Bộ Quốc phòng Israel từ chối cung cấp số liệu liên quan đến việc bán hàng cho các quốc gia cụ thể (chỉ cung cấp dữ liệu theo châu lục), nhưng những nguồn tin trong ngành cho rằng Israel đã ký kết các thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với Việt Nam, đáng chú ý bao gồm:

  • Elbit Systems bán các hệ thống chỉ huy và kiểm soát cho hải quân Việt Nam trị giá 60 triệu USD, các thiết bị liên lạc và mạng trị giá 30 triệu USD
  • IAI bán 3 hệ thống máy bay không người lái Heron với giá khoảng 140 triệu USD cho Việt Nam. Công ty con Elta của IAI bán 150 triệu USD thiết bị radar, trong khi công ty con Ramta bán 60 chiếc xe bọc thép với giá 20 triệu USD.
  • Doanh nhân Samy Katsav – chủ sở hữu Israel Weapon Industries – thành lập một nhà máy trị giá 100 triệu USD tại Việt Nam để lắp ráp súng trường tấn công Tavor.
  • IMI Systems bán các kỹ thuật nâng cấp xe tăng cũng như tên lửa pháo EXTRA với tầm bắn 150 km trong một giao dịch trị giá khoảng 70 triệu USD.
  • Cellebrite bán các công cụ hack điện thoại di động cho Bộ Công an Việt Nam. Công ty Verint cung cấp hệ thống giám sát và tình báo trong hơn 20 năm cho lực lượng an ninh của Việt Nam, với doanh thu trị giá khoảng 30 triệu USD.

Một dấu hiệu khác cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với Israel là chuyến thăm tuần này của cựu Thủ tướng Ehud Barak tới Hà Nội, nơi ông có bài phát biểu tại Nhà hát Lớn và gặp gỡ lãnh đạo của Việt Nam.

Năm 2011, Israel và Việt Nam ký một thỏa thuận bí mật nhằm thúc đẩy quan hệ an ninh giữa 2 nước. Bộ Quốc phòng và Quân đội Israel cử các tùy viên quân sự và đại diện bán hàng đến làm việc tại Đại sứ quán tại Hà Nội, trong khi các bộ trưởng của Việt Nam, lãnh đạo Đảng và quân đội đến thăm Israel để thảo luận về việc mua hàng. Năm 2018, một đoàn đại biểu cấp cao của Israel do Tổng Giám đốc Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ làm trưởng đoàn đến thăm Việt Nam.

IAI cũng rất muốn hoàn tất thương vụ bán một lượng lớn vệ tinh do thám cho Việt Nam. Gần đây, người đứng đầu bộ phận vũ trụ của IAI dẫn đầu một phái đoàn của công ty đến Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận hiện đang bị đình trệ do giá cả, khi IAI đòi nửa tỷ USD và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Thales của Pháp.