VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Bấp bênh thị trường thịt lợn

Bấp bênh thị trường thịt lợn

11:10 - 27/10/2021

Làm cách nào để ổn định thị trường thịt lợn vẫn luôn là bài toán khó mà các cơ quan quản lý phải vào cuộc bằng nhiều biện pháp thì mới có thể giải quyết được.

Vài năm qua, giá thịt lợn năm nào cũng phập phù. Năm thì đắt kỷ lục, năm thì giảm mạnh. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm, giá lợn hơi liên tục biến động, từ mức “rơi” tự do lại đảo chiều tăng dựng đứng. Vòng luẩn quẩn khủng hoảng thừa thịt lợn, sau đó rơi vào bão tăng giá và khan hàng… thêm một lần nữa phơi bày nhiều điểm yếu của thị trường chăn nuôi lợn nước ta.

Bấp bênh vì mù mờ thông tin

Thời điểm gần cuối tháng 10, giá lợn hơi đã rơi xuống đáy, thấp nhất trong nhiều năm gần đây, ở mức chỉ còn 30.000 – 35.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Đang đà giảm sâu, giá lợn hơi lại bất ngờ tăng dựng ngược. Chỉ trong vòng một tuần, hiện giá thịt lợn đã tăng thêm 20.000 đồng/kg ở mức trên 50.000 đồng/kg. Cú đảo chiều bất ngờ này càng bộ lộ rõ những bất cập của thị trường thịt lợn hơi ở nước ta hiện nay.

Sau 20 năm nuôi lợn, bà Trần Thị Nhiệm – chủ trang trại lợn ở Cái Răng (Cần Thơ) đã phải đóng cửa chuồng trại. Vài năm trước, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn với 80 con của bà buộc phải tiêu hủy. Sau đó, bà hai lần tái đàn, nhưng cả hai đều thất bại cũng vì dịch. Hàng trăm con lợn chết và tất cả vốn liếng cũng “chết” theo.

Mới đây, một lần nữa bà quyết định tái đàn, nhưng phải xuất chuồng đúng lúc giá lợn hơi đang xuống rất thấp, vì vậy, bà “cực chẳng đã” đành tiếp tục treo chuồng để cùng chồng đi làm thợ hồ kiếm sống qua ngày. “Dịch bệnh và giá cả bấp bênh đã khiến người nuôi trắng tay”, bà Nhiệm nói với giọng buồn rầu.

Giá thịt lợn liên tục biến động trong thời gian qua

Trường hợp của bà Nhiệm cũng nói lên tình cảnh của đa số người chăn nuôi lợn tại nước ta. Từ bao lâu nay, mọi quyết định tái đàn hay tăng, giảm đàn của phần lớn người chăn nuôi heo chủ yếu dựa vào “nghe ngóng loáng thoáng” thông tin trên thị trường, không lấy gì đảm bảo về đầu ra, giá cả. Việc chăn nuôi cũng vì thế khó ổn định dài lâu.

“Mù mờ” cũng là từ của Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dùng để nói về hiện trạng của một nền sản xuất – tiêu dùng không có sự minh bạch về thông tin. “Nền sản xuất của ta mù mờ, tiêu dùng mù mờ, trung tâm phân phối cũng mù mờ… Nhiều điểm mù mờ gặp nhau nên vậy” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Có lẽ vì mù mờ nên người nông dân luôn đứng cuối chuỗi cung ứng về mức độ hưởng lợi. Trong khi đó, nông dân luôn dễ bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài, từ thiên tai, dịch bệnh đến những rủi ro của thị trường. Ngoài những bất lợi vốn có, dịch bệnh đã bồi cho người chăn nuôi nhiều bất lợi khác, nhất là trở ngại trong vận chuyển hàng hóa từ trang trại đến thị trường bởi nạn cát cứ của các địa phương, khiến nông sản ùn ứ và nông dân buộc phải bán đổ bán tháo, thậm chí đổ bỏ.

Hiện, dù giá thịt lợn hơi đã tăng trở lại, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn chưa “mặn mà” với việc tái đàn. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi đang tái phát, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và sự bấp bênh trong giá lợn hơi trên thị trường.

Làm thế nào để phát triển bền vững?

Chăn nuôi có vị trí quan trọng, là ngành kinh tế sản xuất chính của nông nghiệp nước ta. Nhưng ngành chăn nuôi và cụ thể là chăn nuôi lợn hiện nay còn gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi và sự phát triển bền vững. Việc phát triển chăn nuôi và ổn định thị trường ngành hàng thịt có ý nghĩa quan trọng, chi phối chỉ số phát triển chăn nuôi và thị trường thực phẩm nước ta.

Thêm nữa, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn trên thế giới vẫn cao, chủ yếu từ các nước châu Á. Thịt lợn cũng là mặt hàng có lợi thế để xuất khẩu về lâu dài khi Việt Nam đang ở Top 10 các nước xuất khẩu nhiều thịt lợn của thế giới. Yêu cầu đặt ra hiện nay với ngành là tổ chức lại để chăn nuôi lợn nước ta trở thành ngành hàng lớn, mạnh, đủ sức cạnh tranh, có hướng tới xuất khẩu.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ cũng chia sẻ rằng, thông thường các kênh bán lẻ hiện đại như các siêu thị không bị phụ thuộc vào biến động giá ở các chợ bán lẻ và các hộ kinh doanh tiểu thương. Tuy nhiên, do đặc thù ngành hàng tươi sống, các nhà bán lẻ hiện đại cũng chưa có kho bảo quản, chế biến đủ lớn nên giá cả phụ thuộc toàn bộ vào nhà cung cấp. Nếu mối liên kết giữa người sản xuất và các nhà cung cấp lỏng lẻo thì các kênh bán lẻ cũng chịu sự biến động về giá.

Bà Hậu cho rằng cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên về dài hạn, cần phải tính đến một chiến lược về phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, không thể để phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay.

Có thể thấy, giá cả miếng thịt trên thị trường hay con lợn trong chuồng không chỉ là câu chuyện thịt heo cụ thể mà luôn là câu chuyện về điều hành chính sách của các nhà quản lý. Giá cả thị trường do chính thị trường quyết định, song sự ổn định, phát triển của nền sản xuất lại do các nhà quản lý quyết định, từ việc xây dựng chính sách vĩ mô, quy hoạch, tổ chức sản xuất, xây dựng hệ thống phân phối, logistic… đến việc điều hành chính sách vi mô đều tác động trực tiếp đến người nông dân và hoạt động sản xuất.

Do đó, chỉ khi việc xây dựng, điều hành chính sách một cách phù hợp, hiệu quả mới giúp nền sản xuất thoát cảnh mù mờ, ngành chăn nuôi lợn và thị trường thịt lợn mới có thể phát triển bền vững.