VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Bất chấp biến động kinh tế, ngành hàng xa xỉ vẫn tăng trưởng mạnh

Bất chấp biến động kinh tế, ngành hàng xa xỉ vẫn tăng trưởng mạnh

17:13 - 15/08/2022

Trong cơn khủng hoảng tài chính và xung đột địa chính trị, ngành hàng xa xỉ vẫn kiếm đậm nhờ nhu cầu của giới siêu giàu đối với các mặt hàng xa xỉ tăng mạnh.

Theo CNBC, ngay cả khi mối lo ngại suy thoái đang bao trùm lên nền kinh tế và nhiều “ông lớn” bán lẻ như Walmart, Best Buy, Gap… đã phải cắt giảm triển vọng tài chính do lo ngại lạm phát khiến người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” thì những công ty chuyên cung cấp sản phẩm cho tầng lớp thượng lưu như Ferrari, Dior, Louis Vuitton, Versace vừa báo cáo doanh số tăng mạnh và dự kiến lợi nhuận tăng vọt trong năm nay.

Điều này cũng không quá ngạc nhiên khi trong những đợt suy giảm kinh tế trước đây, phân khúc mặt hàng xa xỉ vẫn tăng mạnh bởi giới nhà giàu thường là đối tượng cuối cùng chịu tác động. Theo các chuyên gia, với khối tài sản kếch xù, những người giàu thường là nhóm cuối cùng cảm nhận được tác động của chiều hướng xấu. Họ vẫn tiếp tục tiêu xài cho những mặt hàng đắt đỏ vì nó được xem là biểu tượng quyền lực và là “bộ mặt” của họ.

Giới siêu giàu tiếp tục tiêu xài cho những mặt hàng đắt đỏ

Nhờ nhu cầu không dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực đó, doanh số bán hàng của các thương hiệu kinh doanh mặt hàng cao cấp như quần áo, giày dép, đồ chơi và dụng cụ thể thao tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.

Công ty mẹ của thương hiệu thời trang cao cấp LVMH, đồng thời sở hữu Christian Dior, Fendi và Givenchy, đã báo cáo doanh thu tự thân tăng 21% lên 36,7 tỷ euro (37,8 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng Versace cũng ghi nhận doanh thu hàng quý tăng gần 30% lên 275 triệu USD. Đầu tháng này, “ông lớn” trong ngành ôtô Ferrari cũng đã công bố doanh thu đạt kỷ lục 1,29 tỷ euro (1,33 tỷ USD) trong quý II.

Theo Car and Driver, chiếc Ferrari 296 GTB 2022 của nhà sản xuất siêu xe Italy có giá khởi điểm 322.000 USD, trong khi Ferrari 812 GTS 2022 lên đến 600.000 USD. Ngay cả những chiếc xe đã qua sử dụng cũng được bán với giá hàng trăm nghìn USD.

Bất chấp những bất ổn kinh tế nghiêm trọng, John Idol Giám đốc điều hành của Capri Holdings (sở hữu thương hiệu Michael Kors và Jimmy Choo) cho hay công ty vẫn tự tin vào các mục tiêu dài hạn vì khả năng phục hồi đã được chứng minh của ngành công nghiệp xa xỉ.

Giám đốc điều hành của Agility Research & Strategy cho hay ngành công nghiệp xa xỉ luôn có mức độ hồi sinh nhanh. Ngoài ra, cô cho biết, đã có một sự thay đổi văn hóa kể từ cuộc suy thoái năm 2008 và người tiêu dùng giàu có cảm thấy không cần thiết phải chi tiêu tiết kiệm lại. Họ cảm thấy họ có quyền sử dụng của cải của họ một cách dự do.

Ngoài ra, những biến động kinh tế dẫn tới sự suy giảm chi tiêu trong số 80% khách hàng của các công ty xa xỉ nhưng những người tiêu dùng này thường chỉ chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng của họ. Trong khi đó, các thương hiệu xa xỉ thường chỉ dựa vào 20% khách hàng là những người thuộc giới siêu giàu – những người thường không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.