VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Bí quyết của người đã biến Nvidia thành công ty 3 nghìn tỷ USD

Bí quyết của người đã biến Nvidia thành công ty 3 nghìn tỷ USD

12:15 - 12/12/2024

Hàng ngày, Jensen Huang đọc các email Top-5 Things (5 điều quan trọng nhất) được gửi từ các nhân viên Nvidia.

Mỗi sáng, người đã xây dựng nên một trong những công ty giá trị nhất thế giới lại mở hộp thư của mình và xem 100 trong số những email quan trọng nhất mà ông sẽ thấy trong cả ngày. Và vào tối Chủ Nhật, ông tự rót cho mình một ly rượu và đọc thêm nhiều email nữa.

Trong hàng thập kỷ, các nhân viên Nvidia đã gửi những ghi chú được gọi là T5T hoặc Top-5 Things (5 điều quan trọng nhất) – những thứ họ đang làm, những thứ họ đang nghĩ đến, những thứ họ nhận thấy trong công việc của mình.

Và trong nhiều thập kỷ, Jensen Huang đã đọc tất cả. “Nếu bạn gửi nó”, ông nói, “Tôi sẽ đọc nó”.

Nhà sáng lập kiêm CEO của Nvidia đọc các email này để nắm bắt tình hình của công ty và đảm bảo chắc chắn rằng ông nhận được những thông tin chi tiết mà nếu không có chúng thì ông có thể không bao giờ nhận được.

Ông đã làm điều này từ trước khi công ty của mình đạt giá trị hơn 3 nghìn tỷ USD bằng cách bán chip dùng cho cuộc cách mạng AI, trước khi ông trở thành một “vị vua” của Thung lũng Silicon và thậm chí trước khi ông có một tủ toàn áo khoác da màu đen. Trong nhiều năm, email Top-5 Things đã trở thành phương pháp ưa thích của ông để vượt qua hệ thống cấp bậc và giống như một nguyên tắc tổ chức cho toàn bộ công ty.

“Phong cách quản lý của Jensen không giống bất kỳ phong cách nào khác ở các công ty Mỹ”, Tae Kim viết trong “The Nvidia Way” (tạm dịch: “Cách của Nvidia”).

Ảnh minh họa: Emil Lendof/WSJ, Getty Images.

Ảnh minh họa: Emil Lendof/WSJ, Getty Images.

Cuốn sách cung cấp góc nhìn từ bên trong về một trong những công ty quan trọng và khác biệt nhất thế giới hiện nay. Được thành lập ở một bàn ăn tại nhà hàng Denny’s cách đây hơn 3 thập kỷ, Nvidia hiện có giá trị cao hơn Microsoft.

Lý do không chỉ là chip, mà còn nhờ nhà lãnh đạo công ty, theo ông Kim. Trong cuốn sách của mình, ông lập luận rằng Nvidia là một sản phẩm của cả năng lực kinh doanh thiên tài và cách sắp xếp doanh nghiệp khéo léo của ông Huang – một “thiết kế tổ chức và văn hóa làm việc độc đáo” cho phép công ty hành động nhanh đến mức mà ông Huang gọi là tốc độ ánh sáng.

Cuốn sách của ông Kim cũng bao gồm những chi tiết hấp dẫn về phong cách lãnh đạo khác thường và thói quen làm việc điên cuồng của ông Huang.

Thay vì nhốt mình trong một văn phòng riêng, ông thích làm việc tại phòng họp. Ông suy nghĩ tốt nhất trên bảng trắng, sử dụng nó thường xuyên đến nỗi ông có một nhãn hiệu bút dạ yêu thích chỉ được bán ở Đài Loan. Ông nhớ tất cả những trải nghiệm cận tử của công ty và tin rằng đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất là sự tự mãn – đây là lý do tại sao người đàn ông 61 tuổi này vẫn nghiện công việc. Ông nói rằng ông không nhớ những bộ phim mình đã xem vì chỉ nghĩ về công việc toàn thời gian. Ông hiếm khi đi nghỉ mát, nhưng nhân viên Nvidia sợ những lúc đó vì ông còn làm việc nhiều hơn.

Nhưng dù ông có làm việc chăm chỉ đến đâu, ông cũng chỉ có thể làm được một phần nhất định để chỉ đạo chiến lược của công ty. “Chiến lược, thực ra, không phải là những gì tôi nói. Đó là những gì họ làm”, ông nói tại một hội nghị thượng đỉnh về AI vào năm ngoái. “Vì vậy, điều thực sự quan trọng là tôi phải hiểu mọi người đang làm gì”.

Ông làm việc đó bằng cách đọc các email Top-5 Things.

Email T5T bắt đầu như một giải pháp cho một vấn đề khó: bộ máy quan liêu lây nhiễm đến các tổ chức khi chúng lớn hơn. Khi công ty phát triển, ông Huang “cần phải biết được những gì đang diễn ra bên trong Nvidia để đảm bảo mọi người đều có ưu tiên đúng”, ông Kim viết.

Điều này hóa ra còn khó hơn cả việc khắc hàng tỷ bóng bán dẫn trên một tấm wafer silicon.

Các tài liệu gửi đến một CEO thường có xu hướng bị pha loãng trong quá trình gửi. Ông Huang không bận tâm đến bất kỳ tài liệu nào như vậy. Ông cũng không tin vào kế hoạch chiến lược hoặc báo cáo tình hình chính thức. “Báo cáo tình hình là siêu thông tin (thông tin về thông tin) khi bạn nhận được chúng”, ông Huang nói vào năm ngoái. “Chúng hầu như không có thông tin hữu ích gì”.

Ông không muốn thông tin đã đi qua nhiều lớp quản lý, mà muốn “thông tin từ bên rìa”, ông nói vào tháng trước.

Cách ông giải quyết vấn đề này là yêu cầu khoảng 30.000 nhân viên ở mọi cấp độ gửi email thường xuyên cho nhóm và giám đốc của họ mà ngay cả CEO cũng có thể truy cập. Chúng thường ngắn gọn và bao gồm một vài điểm chính, và chỉ cần lướt qua chúng, ông Huang có thể nắm bắt được những gì đang diễn ra bên trong Nvidia, ông Kim viết.

Đó có thể cách duy nhất để ông Huang có thể có được sự thật trần trụi mà không ai muốn nói với CEO nhưng mọi CEO đều cần phải nghe. Với cách này, nhân viên Nvidia không chỉ nói với ông Huang những gì họ nghĩ ông muốn nghe.

Email T5T đã trở thành “kênh phản hồi quan trọng” đối với ông Huang, ông Kim viết, vì chúng cho phép ông nắm bắt các xu hướng mà nhân viên cấp dưới dễ dàng nhận thấy, ngay cả khi các giám đốc cấp cao hoàn toàn không hay biết.

“Tôi đang tìm cách phát hiện các tín hiệu yếu”, ông Huang nói, theo ông Kim. “Rất dễ để nắm bắt các tín hiệu mạnh, nhưng tôi muốn nắm bắt khi chúng còn yếu”.

Thành tích của ông Huang trong việc phát hiện tín hiệu yếu, nhìn vào tương lai và đặt cược lớn khiến ông trở thành một trong những người chơi bạc thông minh nhất trong lịch sử kinh doanh. Thực tế, một trong những tín hiệu yếu mà ông đã nắm bắt được nhiều năm trước là sự phát triển của ngành học máy liên tục xuất hiện trong các email T5T. Ông Huang quyết định rằng Nvidia cần đầu tư nhiều hơn vào các công cụ để tăng tốc khả năng làm việc của các bộ xử lý đồ họa (GPU). Quyết định đó rõ ràng đã thành công. Ngày nay, những GPU đó chính là bộ não của trí tuệ nhân tạo.

Khi nhân viên gửi email, họ biết ông Huang sẽ thấy chúng – và ông thậm chí có thể trả lời.

Các giám đốc của Nvidia không gửi email T5T vào tối thứ Sáu vì phản hồi nhanh chóng của ông Huang chắc chắn sẽ phá hỏng cuối tuần của họ. Vì vậy, họ có thói quen gửi email vào Chủ Nhật để ông Huang đọc khi thưởng thức rượu – cách thư giãn cuối tuần của ông – và họ có thể bắt đầu làm việc ngay vào sáng thứ Hai.

Không phải mọi thứ trong những email đó đều nói về học máy hay trí tuệ nhân tạo, mà có thể là bất cứ điều gì. “Nếu bạn tìm thấy một nhà hàng có món gà rán tuyệt vời”, ông nói vào tháng trước, “Tôi muốn biết”.

Nhưng ông không đọc những email này để tìm chỗ ăn. Ông đang tìm kiếm thị trường 0 tỷ USD tiếp theo – một lĩnh vực chưa được khám phá nhưng trong tương lai có thể trở thành một cái gì đó.

Không phải CEO nào cũng có tầm nhìn xa như vậy và không phải công ty nào cũng tạo ra tài nguyên quý giá nhất trên hành tinh, nhưng ông Kim tin rằng bất kỳ ai cũng có thể học hỏi từ thành công của ông Huang tại Nvidia.

“Tôi nghĩ mọi người nên học theo cách ông ấy có thể tạo ra văn hóa này và quản lý hiệu quả công ty của mình”, ông Kim nói. “Không phải theo cách giống hệt, nhưng tôi nghĩ họ có thể học hỏi từ những gì ông ấy làm”.

Những điều đó bao gồm một thứ ông Huang không làm: gửi email T5T. Nếu ông làm vậy, nó sẽ phản tác dụng. Email của mọi người sẽ nhanh chóng trông gần giống như email của ông, và ông sẽ không còn lý do gì để đọc chúng.

“Tôi có 5 điều quan trọng nhất của riêng mình”, ông nói, “mà tôi giữ cho riêng mình”.

Theo: https://www.wsj.com/business/nvidia-jensen-huang-book-advice-b9794576?mod=wsjhp_columnists_pos_1