VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Cà phê Việt Nam khó tận dụng khoảng trống Brazil để lại

Cà phê Việt Nam khó tận dụng khoảng trống Brazil để lại

11:24 - 29/07/2021

Giá cà phê tăng mạnh trong tuần này do lo ngại về thời tiết ở Brazil. Nhưng khả năng xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng hạn chế vì lượng hàng tồn kho cạn kiệt, dịch Covid-19 và tình trạng thiếu container.

Lượng xuất khẩu cà phê từ Việt Nam, nước trồng cà phê robusta lớn nhất, đang giảm do lượng hàng tồn kho của nông dân cạn kiệt, đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày càng trầm trọng và tình trạng thiếu container. Theo các nhà xuất khẩu hàng đầu Intimex Group và Simexco Daklak, xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9.

“Nông dân nói rằng họ đã hết cà phê và vì vậy không thể hưởng lợi từ đợt tăng giá đột biến này”, Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex Group nói với Bloomberg. “Chúng tôi đã không mua bán hạt cà phê nào trong hơn một tháng”.

Giá của loại arabica có vị dịu hơn được giao dịch tại New York đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014 trong tuần này sau khi thời tiết lạnh giá phá hủy các cây trồng ở Brazil. Điều đó đã kéo giá cà phê robusta đắng tại London lên cao nhất kể từ năm 2017. Cà phê Arabica dự kiến ​​tăng 24% trong tháng này và robusta tăng khoảng 13%.

Trong tháng này, giá cà phê Arabica dự kiến tăng 24% và Robusta 13%.

“Việc giá tăng không có lợi nhiều cho các nhà xuất khẩu”, ông Phan Hùng Anh, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thương mại Cà phê Quang Minh tại tỉnh Bình Dương, cho biết. “Chi phí vận chuyển tăng cao đã không khuyến khích các nhà nhập khẩu mua cà phê Việt Nam. Chúng tôi không có hợp đồng mới để mua cà phê của nông dân”.

Ông Anh cho biết việc gửi một container từ Việt Nam sang châu Âu có chi phí lên tới 10.000 USD, gấp 6 đến 7 lần so với một năm trước. Ông cũng dự đoán lượng xuất khẩu ra nước ngoài của công ty mình trong năm nay giảm ít nhất 20% từ mức 50.000 tấn vào năm 2020.

Theo một cuộc khảo sát của các thương nhân, các nhà xuất khẩu của Việt Nam không thể thu được nhiều lợi nhuận từ đợt tăng giá thị trường vì các kho dự trữ tại khu vực TP.HCM của họ đã được đặt giá từ trước. Ông Lê Tiến Hùng, Chủ tịch hãng xuất khẩu lớn thứ hai Simexco Daklak cho biết: “Chúng tôi có đủ cà phê để thực hiện các cam kết của mình đến cuối vụ”.

Các chủ hàng lo ngại rằng những khó khăn về logistics có thể kéo dài đến cuối năm nay khi vụ thu hoạch mới bắt đầu và xuất khẩu tăng lên. Sự gia tăng số ca nhiễm virus corona là một mối quan tâm khác.

Theo Bộ Y tế, số ca nhiễm tại 5 tỉnh của Tây Nguyên, vùng trồng cà phê trọng điểm, đã tăng lên gần 300 vào sáng thứ Tư, từ chỉ một vài ca 2 tuần trước. Thành phố Buôn Ma Thuột và một huyện ở Đắk Lắk đã yêu cầu người dân ở nhà kể từ thứ Bảy.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết các lệnh giãn cách xã hội có thể được mở rộng sang các vùng cà phê khác ở Đắk Lắk, nơi trồng khoảng 1/3 cà phê của cả nước. Ông Minh lo ngại số ca lây nhiễm có thể gia tăng khi hàng nghìn công nhân từ miền Nam, tâm điểm của dịch, đổ về Tây Nguyên để tránh biến thể Delta.

Ông Lê Tiến Hùng cho biết việc thu hoạch có thể chậm lại nếu virus vẫn còn khi đỉnh thu hoạch đến vào tháng 11. Ông cũng dự báo vụ mùa sẽ có năng suất thấp do lượng mưa thấp hơn và thiếu đầu tư. Trong khi hầu hết các thương nhân cho biết còn quá sớm để đưa ra dự đoán, 5 trong số 11 người được khảo sát bởi Bloomberg cho biết họ kỳ vọng một vụ mùa bội thu. 2 người dự báo sản lượng tăng từ 6% đến 10% so với vụ thu hoạch trước đó là 1,7 triệu tấn.