VNReport»Kinh tế»Tài chính»Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu

16:23 - 30/06/2022

Bên cạnh đề xuất trước đó giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ đã đề xuất với Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đề xuất này được đưa ra sau khi Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 và giảm thuế suất nhập khẩu tối huệ quốc (MFN). Trước đó, Quốc hội đã thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4.

Bộ Tài chính đưa ra những đề xuất trên trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đã lập đỉnh 5 lần liên tiếp. Từ ngày 21/6, xăng RON95-III có giá lên tới 32.870 đồng/lít, tăng thêm 9.000 đồng so với hồi đầu năm nay. Còn xăng E5 RON 92 tăng 8.150 đồng và dầu diesel tăng 11.800 đồng trong năm.

Giá xăng, dầu tăng lên mức cao nhất lịch sử trong năm nay.

Giá xăng, dầu tăng lên mức cao nhất lịch sử trong năm nay.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường mới của Bộ Tài chính dự kiến giảm từ 700-1.000 đồng sắc thuế này đối với mỗi lít xăng, dầu tùy loại.

Bộ Tài chính ước tính, trong trường hợp Nghị quyết được ban hành vào tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022, ngân sách nhà nước ước giảm thu khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu tính cả đợt giảm thuế bảo vệ môi trường lần đầu thì tổng mức giảm thu ngân sách bình quân một tháng ước khoảng 4.061 tỷ đồng và cả năm là khoảng 20.305 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng dầu và góp phần giảm giá nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN đối với xăng từ 20% xuống 12%. Theo Bộ Tài chính, cần phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 12% đối với xăng nhằm đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu, tránh bị động do phụ thuộc vào nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp nếu đề xuất giảm thuế với xăng dầu của Bộ Tài chính được thông qua. Việc giảm thuế sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm chi phí trực tiếp của người dân cũng như giảm chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.

Điều này càng có ý nghĩa khi lạm phát ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Khi xăng tiếp tục tăng và hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, một mặt bằng giá mới đã hình thành. Nhiều hàng hóa, dịch vụ có mức tăng từ 5-10%, có loại tăng cao từ 25-30%, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân, nhất là nhóm người yếu thế, người nghèo, người có thu nhập thấp.