VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2024

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2024

16:44 - 16/10/2023

Nếu đề xuất được thông qua, trong năm 2024, giá xăng đến tay người tiêu dùng có thể giảm 2.200 đồng/lít.

Giá xăng có thể rẻ hơn 2.200 đồng/lít trong năm 2024, nếu một đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua.

Cơ quan này vừa gửi công văn tới các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin ý kiến về dự thảo nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường về như hồi cuối năm 2022.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường về như hồi cuối năm 2022.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế giống như Nghị quyết số 30/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) giảm từ 4.000 đồng/lít xuống còn 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít hoặc kg xuống 1.000 đồng/lít hoặc kg; dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 600 đồng/lít.

Vì thuế bảo vệ môi trường được tính trước khi tính thuế giá trị gia tăng 10%, động thái này sẽ giúp giảm giá xăng đến tay người tiêu dùng 2.200 đồng/lít, dầu diesel 1.100 đồng/lít, dầu hỏa 440 đồng/lít …

Các mức thuế bảo vệ môi trường trên từng được áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết năm đó, trong bối cảnh giá xăng dầu khi đó tăng cao do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine lên giá nhiên liệu thế giới.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến năm 2024 sẽ góp phần ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong trường hợp đề xuất được thông qua, nếu sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, nhớt năm 2024 tương đương năm 2023, nguồn thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu dự kiến giảm khoảng 38.929 tỷ đồng và tổng thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.

Các mặt hàng xăng, dầu trong nước đang phải “gánh” 4 loại thuế, bao gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, chỉ có thuế bảo vệ môi trường đánh theo lượng tiêu thụ. Ba sắc thuế còn lại đánh theo tỷ lệ phần trăm giá trị.