VNReport»Kinh tế»Tài chính»Bộ Tài chính đề xuất phát hành công trái để huy động ngoại tệ trong nước

Bộ Tài chính đề xuất phát hành công trái để huy động ngoại tệ trong nước

11:53 - 01/11/2021

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất phát hành công trái để huy động ngoại tệ, đặc biệt là USD nhàn rỗi trong dân.

Chính phủ có thể phát hành công trái để huy động ngoại tệ trong nước, đặc biệt là USD nhàn rỗi trong dân cư, vay tiền của dân mà không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Đây là một trong những đề xuất của Bộ Tài chính được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu ra tại tổ thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cuối tuần trước.

“Cần thiết thì phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, sau đó là quay vòng vốn để bảo đảm cho kinh tế phát triển”, Bộ trưởng nói.

Lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng hiện là 0%, so với lãi suất VND 4-6%/năm.

Lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng hiện là 0%, so với lãi suất VND 4-6%/năm.

Lý do chính khiến Bộ muốn phát hành công trái ngoại tệ, chủ yếu là USD, trong nước là do lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng hiện là 0%, trong khi lãi suất tiết kiệm VND là 4-6%/năm, theo ông Trương Văn Phước – nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Ông Phước cho biết, nguồn ngoại tệ tiền mặt cất giữ trong dân và đang gửi tại ngân hàng là một nguồn lực lớn mà Chính phủ có thể huy động để phục hồi kinh tế. “Người dân sở hữu USD, EUR, bảng Anh, yên Nhật, … nhưng theo tôi, Bộ Tài chính nên phát hành bằng USD với tên gọi công trái phục hồi kinh tế, thời hạn 5-10 năm là phù hợp. Người có ngoại tệ khác có thể chuyển đổi ra USD để mua công trái”, ông nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong bối cảnh xây dựng lại nền kinh tế, cần vừa bảo đảm tài chính nhà nước cũng như tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Vì vậy, cần có các gói kích thích kinh tế để đảm bảo cầu toàn nền kinh tế tăng lên, để tạo đà bước sang giai đoạn phục hồi tăng trưởng mới.

Theo đó, bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ sẽ có một số gói kích thích như gói hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, hỗ trợ lãi suất 2-3% cho các doanh nghiệp bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, như du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống, các dự án hạ tầng, …

Chính sách tài khóa năm nay vẫn hoàn thành kế hoạch, với việc chi ngân sách không vượt dự toán. Nhưng trong năm 2022-2023, ông Phớc cho biết có thể tăng bội chi đến năm 2024, khi kinh tế phát triển và ngân sách tăng lên thì giảm bội chi để đạt chỉ tiêu Đại hội XIII của Đảng là 3,7% GDP.