VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Bức tranh ảm đạm của ngành thép

Bức tranh ảm đạm của ngành thép

11:33 - 21/10/2022

Quý III/2022, nhiều doanh nghiệp ngành thép chứng kiến lợi nhuận sau thuế lỗ nặng, hàng tồn kho vẫn ở mức cao dù đã hạ giá bán sản phẩm.

Bức tranh kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành thép đang có những sự ảm đạm nhất định. Những bất ổn từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới và chính sách phong tỏa covid của Trung Quốc được coi là những nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều bất lợi.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ghi nhận, trong tháng 9/2022, bán hàng thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19 % so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu dẫn tới hàng loạt DN thép báo lỗ nặng trong quý III vừa qua, với các khoản nợ khổng lồ đè nặng lên hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco), trong quý III/2022, lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái giảm 34,903 tỷ đồng, lỗ 25 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của Tisco đạt 9.525 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 93% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng là 22,4 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 110 tỷ đồng, Tisco mới thực hiện được 1/5 mục tiêu.

Ngành thép đang rơi vào chu kỳ đi xuống

Còn với Công ty CP Thép Vicasa – VNSteel (VCA) doanh thu thuần hơn 477 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty kinh doanh với dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 12 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, VCA lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VCA đạt 1.834 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối quý III/2022 là 9 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Công Du, Tổng giám đốc Thép Vicasa đánh giá: “Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cùng những chính sách của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu đã có những tác động đến ngành thép, xây dựng trong nước. Ngoài ra, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cũng khiến nhu cầu sử dụng thép giảm”.

Cùng ngành, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Thép Thủ Đức cũng có những gam màu tối. Theo đó, trong quý vừa qua mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 406 tỷ đồng, song do giá vốn đội lên cao, cộng với một loạt chi phí tăng mạnh, nên doanh nghiệp cũng bị lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức chỉ đạt mức 1.500 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Từ mức lãi 58 tỷ đồng ở 9 tháng đầu năm trước, sang năm nay doanh nghiệp bị lỗ gần 16 tỷ đồng.

CTCP Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh – VNSTEEL cũng rơi vào cảnh lỗ lần đầu tiên trong 2 năm qua, dù doanh thu tăng mạnh. Quý III/2022, VNSTEEL ghi nhận doanh thu thuần hơn 800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại lỗ gộp 1.8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 29 tỷ đồng. Điều này do giá bán thép lao dốc trong giai đoạn vừa qua và Công ty đã trữ hàng tồn kho giá cao quá nhiều.

Gần đây, Công ty cổ phần Thép Pomina cũng vừa phải thông báo dừng hoạt độпg sản xuất lò cao, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao độпg với một số cán bộ công nhân viên. Ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng do các tác độпg tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang, trong khi giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép lại giảm mạnh.

Công ty đầu ngành như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng không tránh khỏi chu kỳ đi xuống. Báo cáo bán hàng giai đoạn tháng 7-9 chỉ đạt 1,71 triệu tấn thành phẩm, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Hòa Phát lý giải nhu cầu thị trường chung thấp trong tháng 9, kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn. Theo một ước tính sơ bộ của SSI Research, lợi nhuận của Hòa Phát trong kỳ này có thể đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh của quý III/2021 do giá bán thép giảm và giá than cốc đầu vào tăng cao, cùng một khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Có thể thấy, từ tháng 10/2021 trở lại đây, nhóm cổ phiếu thép không ngừng giảm mạnh. Đáng chú ý, có giai đoạn cổ phiếu HPG còn giảm về đáy 23 tháng tính theo giá điều chỉnh và bị đánh bật ra khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán và đang giao dịch ở mức 1x. Nhận định về nhóm cổ phiếu thép, giới phân tích cho rằng, cổ phiếu ngành thép nhất là 3 cổ phiếu đầu ngành HPG, HSG, NKG đã đánh mất 55-65% thị giá trong vòng một năm trở lại đây.

Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định, nhu cầu sử dụng sắt thép hiện nay đang giảm khi thị trường bất động sản bị kiểm soát dòng vốn ảnh hưởng tới nhu cầu xây dựng dân dụng và các dự án. Điều này khiến nhiều đại lý và doanh nghiệp kinh doanh mảng thép phải đối mặt với lượng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm hoặc thậm chí không bán được hàng. Diễn biến trên thị trường thế giới (đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh…) cũng đang tạo áp lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp thép nói riêng, nhất là khi tình hình căng thẳng Nga – Ukraine chưa thấy điểm kết thúc, chính sách Zero-Covid-19 của Trung Quốc vẫn thực hiện, sẽ khiến ngành thép có thể mất nhiều tháng, thậm chí vài năm để phục hồi.

Thực tế, trong 8 tháng năm 2022, sản xuất thép và tiêu thụ đã giảm lần lượt là 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 9, sản lượng bán hàng của HPG đang ở mức thấp nhất trong 18 tháng qua (đạt 555.000 tấn).

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng kỳ vọng tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa thấp điểm xây dựng đã qua, quý IV là giai đoạn nhu cầu thép tăng cao khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ. Bên cạnh đó, đầu tư công ty kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm. Và giá thép có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại, dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng.

Trong báo cáo mới đây về ngành thép, VCBS cũng dự báo giá thép sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.