VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Bùng nổ thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến

Bùng nổ thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến

15:49 - 29/10/2022

Nền kinh tế Internet Việt Nam đang phát triển ngày càng nhanh chóng đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến.

Đặt món trực tuyến trở thành “bình thường mới”

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân, với ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến. Sự dịch chuyển này đang tiếp tục được duy trì ngay cả trong giai đoạn bình thường mới.

Khảo sát thực tế tại các cửa hàng có bán đồ ăn trực tuyến, đôi khi số shipper còn đông hơn lượng khách đến ăn tại chỗ. Như vậy có thể thấy dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến đang trở nên ngày càng quen thuộc hơn với người dân. Đơn cử như tại hệ thống bánh mỳ Minh Nhật thì lượng đơn hàng online chiếm khoảng 60% tổng lượng doanh thu của hệ thống, Giám đốc công ty Yumee Holdings Hoàng Minh Nhật cho biết.

Năm 2022 có thể coi là năm bùng nổ của thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến

Theo chia sẻ của ông Hoàng Tùng – Chuyên gia về thương mại điện tử ngành F&B, có khoảng 20 triệu tài khoản đang hoạt động trên: GrabFood, Shopee, Baemin hay GoJek. Trong số top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, ngoài những sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… đã xuất hiện nhiều tên tuổi các ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn như Grab, Be, Gojek, Beamin… Trong đó, Grab và Beamin chỉ đứng sau 2 sàn Shopee và Lazada nắm thị phần lớn nhất cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến.

Báo cáo mới đây của Google và Temasek về Kinh tế số Đông Nam Á cho thấy Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD ngay trong năm nay. Báo cáo cũng chỉ ra dịch vụ giao đồ ăn là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất, khi sau đại dịch, người dùng đã có những thói quen mới khi sử dụng dịch vụ này. Thậm chí có tới 60% người dùng internet cho biết đã đặt đồ ăn trực tuyến ít nhất một lần trong năm qua. Số lượng người gọi đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 22% trong năm nay, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Theo đại diện Bộ Công Thương, sự bùng nổ của giao đồ ăn trực tuyến là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của sự thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng sau đại dịch và tạo ra một cú hích mới cho thương mại điện tử và kinh tế số.

Cuộc đua trên thị trường giao đồ ăn trực tuyến

Theo bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, khi hình thành được hành vi của người tiêu dùng cũng như định hình được trong doanh nghiệp về những phương thức kinh doanh mới thì đà phát triển thương mại điện tử sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới. Các tổ chức quốc tế đánh giá từ nay đến 2025 Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất, thậm chí vượt trên cả Philippines hay Thái Lan.

Làn sóng người dùng tăng trưởng mạnh mẽ khiến các chủ nhà hàng, quán ăn đầu tư nhiều hơn cho các kênh bán hàng qua ứng dụng. “Mặc dù mới kinh doanh trực tuyến trên Gofood từ sau đợt dịch Covid-19 thứ 4 nhưng lượng đơn hàng qua kênh này tốt hơn hẳn so với việc bán tại cửa hàng như trước kia. Tôi mới trả bớt một mặt bằng thuê ngoài quận 3 để tập trung cho gian hàng trực tuyến, tiết kiệm được cả chục triệu tiền thuê mặt bằng, tiền trả lương nhân viên so với trước đây,” chị Thúy Hằng chủ một quán đồ ăn vặt chia sẻ về kế hoạch “đánh chiếm” thị trường trực tuyến đầy tiềm năng.

Theo báo cáo của Reputa, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang được đánh giá là tăng trưởng mạnh mẽ và nhất là ngày càng có nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào lĩnh vực này.

Thừa hưởng lợi thế về hệ sinh thái lớn mạnh bao gồm Grabbike và ví Moca, GrabFood dễ dàng chinh phục khách hàng khi có mạng lưới tài xế đông đảo, hệ thống nhà hàng, quán ăn liên kết khá đa dạng và ứng dụng Grab có trải nghiệm tiện dụng. Du đang giảm dần các hoạt động khuyến mãi, GrabFood vẫn chiếm được thị phần lớn nhờ tiếp tục gia tăng các hoạt động quảng cáo, truyền thông với các thông điệp ý nghĩa được đón nhận tích cực.

Trong khi đó, Baemin là ứng dụng phát triển nhanh khi lọt top 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần. Ứng dụng giao đồ ăn gia nhập thị trường vào năm 2019 và nhanh chóng mở rộng dịch vụ ra thị trường Việt Nam trong 3 năm vừa qua và đang cung cấp dịch vụ giao đồ ăn ở 21 tỉnh, thành. Chiến dịch quảng cáo thông minh và thân thiện được cho là một phần nguyên nhân giúp ứng dụng giao đồ ăn đến từ xứ sở kim chi gây dựng vị thế bên cạnh những cái tên đình đám như Grab, ShopeeFood.

Còn Gojek nằm vị trí thứ 6 trong danh sách 10 doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất trong mảng cung cấp dịch vụ. Nền tảng này hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ chở khách, giao hàng, giao đồ ăn… trong đó ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc của mảng giao đồ ăn trực tuyến. Nửa đầu năm 2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng GoFood tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, với lượng người dùng mới tăng 35%. Ứng dụng này cũng công bố ghi nhận tổng lượng đơn hàng tăng 72% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước.

Ứng dụng Be cũng lọt vào top 10 dù nằm áp chót. Từ một ứng dụng gọi xe ra mắt năm 2019, be đã mở rộng hệ sinh thái sang giao hàng, giao thức ăn, mua vé máy bay, bảo hiểm, gói dịch vụ viễn thông, vé số điện tử, và phát triển ngân hàng số. Hãng gọi xe cho biết, đã có hơn 20 triệu lượt tải, trung bình Be xử lý hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng nhiều hơn 2 dịch vụ trên nền tảng chiếm hơn 50%. Hãng gọi xe Việt cũng cho biết, đạt doanh thu tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay và bắt đầu có lãi gộp dương từ quý III/2022. Hãng gọi xe Việt Nam cũng vừa có thêm nguồn lực khi nhận nguồn vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD từ Deutsche Bank để đẩy mạnh các dịch vụ cốt lõi.

Ngay cả khi sở hữu nhiều tiềm năng, tuy nhiên thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến không phải là mảng kinh doanh “dễ nhằn” với các ứng dụng. Cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần giữa các ứng dụng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn. Sự cạnh tranh gay gắt khiến các ứng dụng giao đồ ăn luôn ở trong tình trạng thua lỗ khi hầu hết đều có chiến lược chiếm thị phần thông qua các chiết khấu cũng như ưu đãi bán hàng khác. Với các ứng dụng giao đồ ăn, kinh doanh có lãi vẫn đang là bài toán cần tìm lời giải.