VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các bộ, ngành chậm giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Các bộ, ngành chậm giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

12:01 - 28/06/2023

Qua nửa năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành chỉ đạt 27,2%. Có 6/11 bộ chưa giải ngân đồng vốn đầu tư công nguồn nước ngoài nào.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính ước tính tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành chỉ đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng, so với kế hoạch giao năm 2023 là 11.858 tỷ đồng.

Trong 11 bộ, chỉ có 5 bộ có giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, tập trung chủ yếu ở 3 bộ là Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tỷ lệ giải ngân 47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (30,56%). Hai bộ còn lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp: Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,19%) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,26%).

Ngoài kế hoạch năm 2023, còn có 1.043 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 được kéo dài sang năm 2023. Các Bộ, ngành hiện đã bắt đầu giải ngân phần vốn này.

Nếu được giải ngân mạnh, vốn đầu tư công có thể trở thành động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nếu được giải ngân mạnh, vốn đầu tư công có thể trở thành động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài tương tự như giải ngân đầu tư công nói chung. Trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 22,22% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ Tài chính. Chỉ có 8 bộ ngành và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 25%, trong khi có tới 32 bộ ngành và 5 địa phương ghi nhận tỷ lệ giải ngân dưới 10%.

Theo các chuyên gia, nếu được giải ngân mạnh, vốn đầu tư công có thể trở thành động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn vì xuất khẩu kém và lĩnh vực bất động sản trì trệ.

Theo Bộ Tài chính, có một số nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm.

Thứ nhất là việc chậm triển khai các công tác chuẩn bị cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư …

Thứ hai là chủ trương đầu tư bị điều chỉnh chậm dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.

Thứ ba là vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối hoặc chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan …

Cuối cùng, việc giải ngân chậm cũng do các Bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ kế hoạch vốn 2022.

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó, các địa phương có dự án ODA cần xử lý những vấn đề vướng mắc về giải phòng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.