VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các bộ, ngành đề nghị trả lại hơn 8.000 tỷ vốn đầu tư công

Các bộ, ngành đề nghị trả lại hơn 8.000 tỷ vốn đầu tư công

11:10 - 08/10/2021

Các nguyên nhân chậm giải ngân vốn vay nước ngoài gồm Covid-19, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư và công tác kế hoạch chưa tốt.

Hôm qua (7/10), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành để đánh giá tình hình giải ngân vốn vay đầu tư nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong 9 tháng đầu năm 2021, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn, đầu tư vay nước ngoài.

Tính đến ngày 6/10, mới giải ngân được 19% vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài.

Tính đến ngày 6/10, mới giải ngân được 19% vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài.

Tuy nhiên, đến ngày 6/10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành chỉ đạt khoảng 3.166 tỷ đồng/16.637 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, bằng 19,03%.

“Kết quả này gấp hơn 2 lần số giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài vào thời điểm Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tháng 6/2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kết quả cùng kỳ năm 2019 và 2020”, ông Long nói.

Bộ Tài chính cũng đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Với kết quả trên, ông Long cho rằng, từ nay đến cuối năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 đạt trên 95% như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.

Ông Võ Hữu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân mà thứ nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ triển khai của hầu hết các dự án ODA.

Thứ hai, các dự án chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do vướng mắc trong quá trình thực hiện như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm đấu thầu, ký kết hợp đồng. Hoặc đang trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; điều chỉnh hiệp định vay vốn; điều chỉnh chủ đầu tư, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ, nội tệ; điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục.

Thứ ba, công tác lập kế hoạch vốn chưa tốt. Nhiều bộ, ngành chưa giao được hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến dự toán bị hủy bỏ.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy trình kiểm soát chi và xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước, đảm bảo đúng thời hạn, đúng chế độ quy định, không để tồn động hồ sơ không lý do.

Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành cần tích cực chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện và giải ngân dự án.

“Tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ. Trường hợp không thể điều chuyển nội bộ thì sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc cắt giảm để chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác”, ông Long nhấn mạnh.