VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các chỉ số kinh tế Trung Quốc lao dốc do phong tỏa

Các chỉ số kinh tế Trung Quốc lao dốc do phong tỏa

14:19 - 16/05/2022

Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm mạnh, cho thấy cái giá đắt đỏ của chiến lược “zero Covid”.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc thu hẹp mạnh vào tháng 4 do làn sóng phong tỏa trên khắp đất nước. Điều đó đặt ra thách thức lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của nước này kể từ khi Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên hơn 2 năm trước.

Doanh số bán lẻ – thước đo hoạt động tiêu dùng chính của đất nước – giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4, sau khi bắt đầu giảm từ tháng 3. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo giảm 6,6% từ các nhà kinh tế do Bloomberg thăm dò ý kiến.

Sản lượng công nghiệp – nền tảng cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc từ cú sốc Covid ban đầu vào đầu năm 2020 – giảm 2,9%. Các nhà kinh tế đã dự báo chỉ số này tăng nhẹ bất chấp những hạn chế.

Nhưng dữ liệu trên là dấu hiệu nổi bật nhất cho thấy thiệt hại kinh tế gia tăng từ cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Covid-19. Theo đó, nước này tìm cách dập tắt hoàn toàn virus thông qua các đợt phong tỏa toàn thành phố, xét nghiệm hàng loạt và những trung tâm cách ly. Việc loại bỏ các ca bệnh là ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi ông bước vào nhiệm kỳ thứ 3 trong năm nay theo dự kiến.

Trung Quốc tăng cường phong tỏa, xét nghiệm và cách ly trong năm 2022 để đối phó với biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Trung Quốc tăng cường phong tỏa, xét nghiệm và cách ly trong năm 2022 để đối phó với biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Chiến lược “zero Covid” này phần lớn ngăn chặn được virus trong 2 năm trước, nhưng giới chức tăng cường chiến lược này một cách đáng kể trong năm 2022 sau sự bùng phát của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Thượng Hải – thành phố đông dân nhất của nước này – đã bị phong tỏa từ cuối tháng 3.

Hàng chục thành phố và hàng trăm triệu người trên khắp Trung Quốc bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần như một phần của chính sách được cho là sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nền kinh tế Trung Quốc trước đó đã phải chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản có đòn bẩy tài chính cao, và sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản trên diện rộng do doanh số bán nhà sụt giảm.

Cuối tuần qua, chính phủ đã giảm lãi suất thế chấp cơ bản đối với các khoản cho vay mới dành cho người mua nhà lần đầu, từ 4,6% xuống còn 4,4%. Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp nới lỏng nhằm hỗ trợ một trong những động lực kinh tế quan trọng nhất của đất nước.

“Chính phủ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc tung ra các biện pháp kích thích mới để ổn định nền kinh tế”, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết. Nhưng “hiệu quả của những chính sách này phụ thuộc vào cách chính phủ điều chỉnh chính sách không khoan nhượng chống lại cuộc khủng hoảng Omicron”, ông nói.

Sau khi dữ liệu được công bố, các thị trường châu Á chuyển trạng thái từ tăng sang giảm trong phiên giao dịch thứ Hai. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc – bao gồm các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến – mở cửa tăng 0,7% nhưng giảm 0,8% sau khi công bố dữ liệu, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,1% trước khi giảm 0,4%.

Tuần trước, các nhà chức trách cho biết công dân không được rời khỏi đất nước vì những lý do “không thiết yếu” và áp dụng những biện pháp nghiêm khắc hơn ở Thượng Hải gần 7 tuần sau khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn thành phố. Một quan chức thành phố cho biết hôm thứ Hai rằng các nhà chức trách muốn mở cửa lại Thượng Hải trên diện rộng từ ngày 1/6.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên. Chính phủ trước đó đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay – mục tiêu thấp nhất trong 3 thập kỷ. Các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của mình cho quý II.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Úc ANZ duy trì mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2022 trên cơ sở những biện pháp kích thích kinh tế sẽ “bù đắp thiệt hại về hoạt động kinh tế trong 2 tháng qua”. Nhưng họ “bi quan về triển vọng trung hạn của Trung Quốc” vì dự báo rằng các biện pháp hỗ trợ không được thực hiện trong năm sau.

“Tác động của đợt phong tỏa ở Thượng Hải là rất sâu rộng”, họ viết. “Mối liên kết kinh tế và công nghệ với phần còn lại của thế giới đang gặp rủi ro”.

Tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát là 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.