VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Các doanh nghiệp gạo hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu tăng

Các doanh nghiệp gạo hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu tăng

12:22 - 14/07/2023

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo như PAN, AFX, LTG dự báo kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm nay. Giá các cổ phiếu này đã tăng mạnh từ đầu năm.

Nhu cầu và giá gạo tăng có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong ngành và có thể khiến các cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu gạo trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu lượng gạo trí giá 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Gạo xếp thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản. Khối lượng xuất khẩu gạo tăng 22,2% lên 4,27 triệu tấn.

Kết quả khả quan là nhờ nhu cầu cao trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là từ các nhà nhập khẩu truyền thống như Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Đồng thời, sản lượng gạo ở Ấn Độ và Thái Lan thấp do ảnh hưởng của El Nino khiến năng suất giảm.

Giá trị và khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm lần lượt tăng 34,7% và 22,2% so với cùng kỳ.

Giá trị và khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm lần lượt tăng 34,7% và 22,2% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan và Ấn Độ. Vào tháng 6, gạo 5% tấm của nước ta được báo giá khoảng 498 USD/tấn, trong khi của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 USD/tấn và 453 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 478 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 10 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 50 USD/tấn.

Xu hướng tăng tiếp tục vào đầu tháng 7. Tuần trước, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 500-510 USD/tấn, theo thống kê từ Reuters.

Trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo liên tục nhận được những đơn hàng lớn thì hàng tồn kho vụ đông xuân đã cạn và thương nhân hiện đang chờ nguồn hàng từ vụ hè thu. Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) kỳ vọng Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay, với khối lượng 7,2 triệu tấn, tăng từ mức 7,05 triệu tấn của năm 2022.

Nhờ giá bán cao hơn và chi phi phân bón giảm, các doanh nghiệp gạo đang ghi nhận biên lợi nhuận được cải thiện.

Nguồn cung phân bón toàn cầu tăng do các nước châu Âu mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga trong khi Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón. Ngân hàng Thế giới dự báo giá urê sẽ giảm 10% trong năm 2023 và giảm thêm 8% trong năm 2024.

Mặc dù quý I có nhiều khởi sắc về tình hình thị trường, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp gạo lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí lãi vay tăng cao. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý II được kỳ vọng khả quan nhờ đơn hàng và giá bán tăng, trong khi các ngân hàng đã hạ lãi suất.

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo niêm yết đều dự đoán tăng trưởng trong năm nay.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 gần 2.600 tỷ đồng, tăng 52,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận 36,9 tỷ đồng, tăng 29%.

Tương tự, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 20% và 13%. Theo các chuyên gia, hai thị trường xuất khẩu chính của Lộc Trời đều khả quan. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội hơn cho công ty mở rộng tại các thị trường EU, trong khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp tăng nhu cầu nhập khẩu gạo.

Với nhu cầu mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, các nhà phân tích kỳ vọng Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) sẽ báo cáo kết quả khả quan trong năm nay. Công ty Chứng khoán Nhất Việt cho biết xuất khẩu gạo của công ty chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất.

Tập đoàn Pan (PAN) đặt mục tiêu doanh thu gần 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và 402 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 10,7%. Đối với mảng nông nghiệp, Pan kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận tăng 10-15% nhờ nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của một số doanh nghiệp gạo đầu ngành như PAN, LTG, TAR đã tăng vọt từ đầu năm 2023, lần lượt tăng 29%, 32% và 47%.