Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, với doanh số dự kiến đạt khoảng 6 triệu chiếc trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với con số 2,99 triệu chiếc của năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt vì những nỗ lực khuyến khích sử dụng xe điện của chính quyền Bắc Kinh đã thu hút khoảng 200 công ty tham gia thị trường. Các công ty này đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào việc nghiên cứu và phát triển, thiết kế và lắp ráp ô tô điện.
Khi tỷ lệ cạnh tranh trên thị trường xe điện tại Trung Quốc đang tăng cao trong những năm gần đây, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, một khu vực chưa được khai thác nhiều và vẫn còn dư địa phát triển lớn với ít đối thủ cạnh tranh hơn.

Xe Trung Quốc thống lĩnh thị trường ô tô điện Thái Lan
Theo South China Morning Post, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD, Great Wall Motor, Hozon và Aiways đều đã và đang cung cấp xe điện tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, với mục tiêu giành được chỗ đứng tại những thị trường này.
Phate Zhang Người sáng lập trang tin tức về xe điện CnEVpost cho biết, xe điện do các nhà sản xuất Trung Quốc làm ra có giá cả phải chăng đối với khách hàng ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Ở khu vực này, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cũng không gặp phải quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Một số dòng xe có xuất xứ tại Trung Quốc cũng đã chứng minh được tiềm năng tại Đông Nam Á và được người dùng đón nhận.
Peter Chen, kỹ sư của nhà sản xuất phụ tùng ô tô ZF TRW cũng nhận định, thị trường xe điện ở các nước ASEAN vẫn chưa thực sự phát triển nhưng tiềm năng là rất lớn trong bối cảnh khách hàng ngày càng quan tâm đến xe chạy bằng pin.
Thực tế, tháng 10 vừa qua, nhà sản xuất xe thể thao đa dụng (SUV) lớn nhất Trung Quốc Great Wall Motor đã bán được 133.000 xe điện bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, chiếm 15% tổng doanh số của hãng trong cùng tháng. Đáng chú ý, hãng đã bán được tổng cộng 8.094 chiếc xe điện trong 9 tháng đầu năm tại thị trường Thái Lan, qua đó trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này tính theo doanh số bán hàng. Công ty này cũng đã mua lại một nhà máy lắp ráp ô tô ở tỉnh Rayong từ General Motors vào năm 2020 để biến thành một nhà máy có công suất hàng năm lên tới 80.000 chiếc.
BYD – công ty sản xuất xe điện đã soán ngôi gã khổng lồ Tesla Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới trong quý II, cũng đã nhanh chóng mở rộng ra thị trường nước ngoài trong năm nay. BYD cho biết họ đã giao tổng cộng 143.188 chiếc Atto 3 EV trên toàn thế giới kể từ khi mẫu xe này được tung ra thị trường trong tháng 2.
Một công ty khởi nghiệp chuyên về xe điện Hozon cũng cho biết họ đã nhận được 5.200 đơn đặt hàng từ các thị trường nước ngoài như Lào, Myanmar và Nepal.
Với sự hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD đang dần nắm bắt các công nghệ cốt lõi trong ngành công nghiệp xe điện và giành được thị phần đáng kể ở nước ngoài. Một số công ty khởi nghiệp xe điện thông minh có tiếng của Trung Quốc là Xpeng và Nio cũng đang tìm cách mở rộng ở thị trường châu Âu, nơi doanh số bán hàng hiện tại của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp.
Dự báo trong ít nhất 5 năm tới, các nhà sản xuất xe điện quốc tế lớn sẽ tiếp tục thống trị lĩnh vực sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, trước khi các doanh nghiệp ttrong nước có thể nắm quyền kiểm soát. Trong bức tranh chung về sản xuất xe điện tại Đông Nam Á, dễ thấy sự quyết tâm của các thương hiệu Hàn Quốc, Trung Quốc… trong khi các hãng chế tạo ô tô Nhật Bản có phần dè dặt.
Tuy vậy, bất chấp sự bùng nổ của làn sóng sản xuất ô tô điện, giới chuyên môn vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng phổ cập ô tô điện ở khu vực Đông Nam Á. Hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, thiếu hệ thống trạm sạc, tâm lý tiêu dùng… được cho là những yếu tố khiến xe điện chưa thể phổ biến rộng rãi tại đây.