VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các lệnh trừng phạt khiến Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu kể từ 1918

Các lệnh trừng phạt khiến Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu kể từ 1918

09:16 - 28/06/2022

Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau cuộc Cách mạng Tháng Mười, do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra những trở ngại trong thanh toán mà Moscow không thể vượt qua.

Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918, không phải vì thiếu tiền, mà vì các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của nước này.

Nga bỏ lỡ những khoản thanh toán đối với 2 trái phiếu ngoại tệ vào cuối ngày Chủ nhật, theo các trái chủ. Ngày này đánh dấu sự kết thúc của thời gian ân hạn 30 ngày kể từ khi Nga đến hạn thanh toán những khoản nợ bằng USD và euro tương đương 100 triệu USD cho các trái chủ.

Việc vỡ nợ được dự báo từ trước, kể từ khi phương Tây loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, tạo ra những trở ngại thanh toán mà Moscow không thể vượt qua. Điều này nhiều khả năng không gây ra hiệu ứng dây chuyền nào ngay lập tức trên thị trường hoặc nền kinh tế Nga. Trái phiếu của Nga đã được giao dịch ở mức giá rất thấp vài ngày sau cuộc xâm lược, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tin rằng việc vỡ nợ sẽ xảy ra.

Lần cuối cùng Nga không trả được khoản vay nợ nước ngoài của mình là sau cuộc Cách mạng Tháng Mười, khi chính quyền cộng sản của Vladimir Lenin từ chối thanh toán khoản nợ của Đế quốc Nga. Nga cũng từng vỡ nợ trái phiếu bằng đồng rúp trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, nhưng nước này vẫn duy trì thanh toán nợ nước ngoài khi đó.

Nga cho biết có tiền và có ý định trả nợ, nhưng không thanh toán được do những lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga cho biết có tiền và có ý định trả nợ, nhưng không thanh toán được do những lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tranh chấp pháp lý về những khoản nợ này có thể kéo dài nhiều năm. Nga cáo buộc phương Tây tạo ra một vụ vỡ nợ giả mạo, và nỗ lực trong những tháng gần đây nhằm tìm cách đưa những khoản thanh toán cần thiết đến tay các trái chủ. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov hôm thứ Năm cho biết các quốc gia phương Tây đã tạo ra những rào cản để “gắn mác vỡ nợ” đối với Nga và gọi tình huống này là một trò hề.

Nga có khá nhiều tiền từ việc bán dầu và khí đốt để trả những khoản nợ nước ngoài, vốn tương đối nhỏ so với quy mô nền kinh tế nước này. Nhưng các chính phủ phương Tây chặn khả năng của Điện Kremlin trong việc khai thác những tài khoản ngân hàng nước ngoài hoặc sử dụng các mạng thanh toán xuyên biên giới để chuyển tiền.

Bởi vì Nga có tiền và có ý định thanh toán, việc vỡ nợ của nước này được cho là sẽ đặt ra những thách thức pháp lý riêng. Một khi hết thời gian ân hạn, các nhà đầu tư trái phiếu có thể tuyên bố vỡ nợ. Nga sẽ tuyên bố các nghĩa vụ của mình đã được hoàn thành. Khác so với hầu hết những trái phiếu chính phủ khác, Nga không chỉ định tòa án giải quyết tranh chấp. Các luật sư nói rằng các tòa án ở Anh hoặc Mỹ có thể là những địa điểm đưa ra phán quyết.

Bước đầu tiên là những người nắm giữ 25% số trái phiếu đồng ý đưa ra cái gọi là điều khoản tăng tốc, cho phép họ yêu cầu hoàn trả ngay lập tức số tiền chưa thanh toán của trái phiếu. Các trái chủ có 3 năm để đưa đơn kiện Nga ra tòa.

Tuần trước, Nga đưa ra kế hoạch thanh toán cho các trái chủ bằng đồng rúp theo một sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ký. Nga sẽ gửi các khoản thanh toán bằng rúp vào tài khoản cho trái chủ nước ngoài tại các ngân hàng Nga không bị trừng phạt. Nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể chuyển đổi đồng rúp thành ngoại tệ. Bộ Tài chính Nga cho biết họ đã thanh toán khoảng 400 triệu USD vào thứ Năm và thứ Sáu cho các trái chủ theo cơ chế mới.

Các trái chủ khó có thể chuyển tiền ra khỏi Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Các khoản thanh toán được chuyển qua Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia của Nga – đã bị Liên minh Châu Âu trừng phạt. Và Mỹ cấm các ngân hàng của nước này xử lý những khoản thanh toán nợ của Nga kể từ cuối tháng 5, có nghĩa là nhiều nhà đầu tư sẽ không thể dễ dàng chuyển tiền về nước.

Về lý thuyết, chủ nợ có thể thu hồi tài sản của Nga ở nước ngoài. Một số nhà đầu tư đã gợi ý rằng họ có thể thu hồi những khoản dự trữ ngân hàng trung ương bị đóng băng hoặc tài sản của các nhà tài phiệt. Các trái chủ của Venezuela đòi tài sản của một công ty lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước sau khi nước này vỡ nợ. Vào năm 2013, Argentina phải thuê một máy bay riêng cho chuyến công du của tổng thống lúc bấy giờ vì rủi ro chủ nợ thu giữ chiếc máy bay chính thức.

Vụ vỡ nợ được cho là sẽ không có tác động rộng rãi đến nền kinh tế Nga. Nga giảm vay nợ nước ngoài trong những năm gần đây, khiến nước này ít phụ thuộc hơn vào vốn nước ngoài. Về lâu dài, việc vỡ nợ khiến Nga khó tái gia nhập thị trường tài chính quốc tế.

Các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu cho biết họ có kế hoạch chờ đợi, hy vọng rằng Nga sẽ thanh toán nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng. “Cách tiếp cận thị trường là chờ đợi. Bạn có thể lập các ủy ban chủ nợ để thảo luận và biết ai nắm giữ những gì”, Kaan Nazli, một nhà quản lý danh mục đầu tư trái phiếu tại Neuberger Berman Group, cho biết.