VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Các nền kinh tế lớn nguy cơ lạm phát cao dai dẳng

Các nền kinh tế lớn nguy cơ lạm phát cao dai dẳng

18:38 - 26/06/2022

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thúc giục các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế hàng đầu hành động quyết liệt để giảm lạm phát, tránh rơi vào môi trường lạm phát cao dai dẳng.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo rằng các nền kinh tế hàng đầu đang tiến gần đến tình trạng lạm phát dai dẳng – khi giá cả tăng nhanh trở thành chuyện bình thường, chi phối cuộc sống hàng ngày và rất khó để dập tắt.

Trong báo cáo hàng năm của mình, BIS, cơ quan điều hành những dịch vụ ngân hàng cho các ngân hàng trung ương trên thế giới, nói rằng chuyển đổi sang một môi trường lạm phát cao như vậy hiếm khi xảy ra, nhưng rất khó đảo ngược. Cho rằng nhiều nền kinh tế đã bắt đầu rơi vào quá trình này, BIS khuyến nghị các ngân hàng trung ương không nên ngại gây ra đau đớn ngắn hạn và thậm chí là suy thoái để ngăn chặn bất kỳ động thái nào dẫn đến một thế giới lạm phát cao dai dẳng.

Một số nền kinh tế lớn đang ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Một số nền kinh tế lớn đang ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Agustín Carstens – tổng giám đốc BIS – cho biết: “Chìa khóa cho các ngân hàng trung ương là hành động nhanh chóng và dứt khoát trước khi lạm phát trở nên cố hữu”.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã bắt đầu nhanh chóng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng vọt, với sự dẫn đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng những hành động được thực hiện cho đến nay chưa làm BIS hài lòng.

Trong báo cáo của mình, cơ quan này nói rằng đã có một cú sốc lạm phát đình trệ sâu sắc giáng xuống thế giới do giá hàng hóa thương phẩm cao hơn, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt bắt nguồn từ việc Nga xâm lược Ukraine. Điều này làm tăng giá những hàng hóa và dịch vụ mà các hộ gia đình chú ý nhất, củng cố hơn nữa đà tăng giá.

“Chúng ta có thể đang đạt đến điểm tới hạn, nơi mà tâm lý lạm phát lan rộng và trở nên cố hữu. Điều này có nghĩa là một sự thay đổi mô hình lớn”, báo cáo nêu rõ.

Một sự thay đổi như vậy có nghĩa là từ bỏ một thế giới mà giá cả nhìn chung ổn định, với một số thứ ngày càng rẻ và những thứ khác đắt hơn. Trong môi trường này, các ngân hàng trung ương có thể bỏ qua sự tăng giá tạm thời của giá dầu hoặc khí đốt tự nhiên vì “lạm phát toàn nền kinh tế ít được chú ý hơn [và] cũng ít quan trọng hơn”. Nếu chuyển sang môi trường lạm phát cao, “sự thay đổi của giá cả đồng bộ hơn nhiều và lạm phát ngày càng trở thành tâm điểm cho hành vi của các tác nhân kinh tế, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế”.

Lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ tại một số nền kinh tế, bao gồm Mỹ, khu vực đồng euro và Anh. BIS lo lắng rằng các nền kinh tế hàng đầu của Bắc Mỹ, Châu Âu và nhiều thị trường mới nổi đang ở gần điểm đến hạn. Người tiêu dùng đã chú ý đến sự tăng giá, mức tăng lớn lan rộng trên hầu hết các mặt hàng và mức lương thực tế (mức lương sau khi điều chỉnh lạm phát) giảm khiến họ muốn tăng lương để bù đắp cho giá hàng hóa.

BIS cho biết việc phớt lờ xu hướng giá cả không còn hợp lý đối với người tiêu dùng, điều này làm tăng nguy cơ chuyển sang một môi trường lạm phát cao. “Khi lạm phát gia tăng và trở thành tâm điểm cho hành vi của các tác nhân, xu hướng hành vi sẽ theo hướng tăng cường quá trình chuyển đổi”, họ viết thêm, dự đoán rằng các công ty sẽ cố gắng giữ biên lợi nhuận và người lao động bảo vệ mức lương của mình. Thời lượng của hầu hết các hợp đồng sẽ có xu hướng thu hẹp vì các bên không thể đảm bảo được mức giá cả trong tương lai.

Để giảm lạm phát, BIS cho biết rằng “không thể tránh khỏi một chút đau đớn”, nhưng sau cùng thì, những vấn đề của lạm phát cố hữu “vượt xa những khó khăn ngắn hạn trong việc kiểm soát nó”. “Điều này nghĩa là phản ứng đúng lúc và quyết liệt rất quan trọng”, BIS nói với các ngân hàng trung ương, ngay cả khi không ai biết chắc rằng họ đã chuyển sang môi trường lạm phát cao hay chưa.

“Ưu tiên trên hết là tránh tụt lại phía sau, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến một sự điều chỉnh đột ngột và mạnh mẽ hơn. Điều đó sẽ làm tăng chi phí kinh tế và xã hội trong việc kiểm soát lạm phát”.