VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Các nhà máy của Trung Quốc tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế quan Mỹ

Các nhà máy của Trung Quốc tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế quan Mỹ

10:53 - 09/04/2025

Các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc đã đổ xô đến Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, nhưng Việt Nam sắp bị Mỹ áp thuế quan cao.

Jayson Wu – ông chủ người Trung Quốc của một nhà máy sản xuất đồ nội thất tại Hà Nội – không biết sẽ làm gì nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng mức thuế quan “Ngày giải phóng” chưa từng có tiền lệ.

Dù chưa chính thức có hiệu lực, việc Mỹ sẽ tăng thuế quan với hàng hóa từ Việt Nam lên 46% như một quả bom thả vào doanh nghiệp của ông.

“Các khách hàng Mỹ của tôi đã hủy tất cả các đơn đặt hàng và nhà máy đã dừng hoạt động”, ông Wu nói. “Tôi chỉ có thể chờ xem mức thuế vào ngày mùng 9 sẽ như thế nào. Nếu không, tôi có thể chuyển nhà máy đi đâu bây giờ? Hầu hết các nước Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với thuế quan”.

Ông Wu là một trong số nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi ông Trump đe dọa sẽ phát động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.

Các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc – đặc biệt là trong những lĩnh vực điện tử, đồ nội thất và dệt may – đã đổ xô đến Việt Nam từ năm 2018, khi ông Trump áp đặt thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của mình.

Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam là một cách để tránh thuế của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, và cũng có chi phí lao động thấp, tiền thuê địa điểm rẻ, quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Một loạt các công ty lớn của Trung Quốc bao gồm hãng điện tử TCL Technology và hãng xe điện BYD đã lập các nhà máy mới tại Việt Nam. Giá trị đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam năm 2023 tăng vọt 77,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,47 tỷ USD.

Ông Wu cũng thực hiện điều này vào năm 2019, khi quyết định chuyển hoạt động kinh doanh sản xuất tủ của mình từ Trung Quốc sang thủ đô của Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây. Ảnh: AFP/SCMP.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây. Ảnh: AFP/SCMP.

Dòng đầu tư của Trung Quốc đã giúp biến Việt Nam trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 405,5 tỷ USD, gần 1/3 số hàng hóa đó được xuất sang thị trường Mỹ.

Nhưng việc xuất khẩu tăng đột biến – dẫn đến thặng dư thương mại kỷ lục 123 tỷ USD với Mỹ – cuối cùng đã biến Việt Nam thành một mục tiêu chính của thuế quan đối ứng.

Tuần trước, Washington đã công bố kế hoạch áp thuế đối với hàng chục đối tác thương mại. Việt Nam phải chịu một trong những mức thuế cao nhất là 46%. Kế hoạch này cũng bao gồm 34% thuế bổ sung đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Động thái trên đe dọa giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng đầu tư Hà Lan ING ước tính vào tuần trước rằng thuế quan có thể khiến 5,5% GDP của Việt Nam gặp rủi ro.

Tâm trạng của các chủ doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đã trở nên bi quan, đặc biệt khi Việt Nam sẽ chịu mức tăng thuế thậm chí còn cao hơn Trung Quốc, theo Liu Jie, người điều hành một công ty tư vấn giúp các nhà sản xuất Trung Quốc thành lập hoạt động tại Việt Nam.

“Chúng tôi đang chờ quyết định thuế quan cuối cùng vào ngày mùng 9 – nếu chúng giảm xuống còn 20% hoặc 30% – thì cũng sẽ nhẹ nhõm phần nào”, ông Liu nói.

Khác với Trung Quốc chọn trả đũa thuế quan của Mỹ, Việt Nam đã đề nghị giảm thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ xuống còn 0% để cố đạt được thỏa thuận với Washington.

Nhưng cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ trích đề nghị này và lập luận rằng “gian lận phi thuế quan mới là vấn đề”, lấy ví dụ về hành vi tái xuất hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam.

“Mọi người đều hy vọng chính phủ có thể đạt được thỏa thuận thuế quan có lợi với Trump”, ông Liu cho biết. “Chúng tôi đang trong trạng thái chờ và xem xét tình hình”.

Nhiều doanh nhân Trung Quốc lo rằng những nỗ lực lập cơ sở mới ở nước ngoài sẽ bị phá hủy, ông Liu bổ sung. Việc di dời một lần nữa khó khăn, tốn kém và có thể vô ích vì Mỹ dự định tăng thuế đối với các nước ở khắp Đông Nam Á.

“Việc lập nhà máy tại Việt Nam không phải làm được trong một sớm một chiều”, ông Liu nói. “Không chỉ là vấn đề thời gian và chi phí – mà còn là một phần của chiến lược chung toàn cầu, một kế hoạch dài hạn. Không thể cứ gói đồ và rời đi sau một hai ngày. Không làm được như thế”.

Một chủ doanh nghiệp Trung Quốc khác, họ Zhao, cho biết ông đã quyết định đóng băng kế hoạch lập một cơ sở mới tại Việt Nam kể từ thông báo của ông Trump vào tuần trước.

Ông Zhao – chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô cho các sản phẩm y tế sang Mỹ – đã đến Việt Nam vào tháng 1 vì muốn tận dụng lợi thế nguồn lao động giá rẻ và hệ thống thuế đang phát triển. Nhưng ông đang xem xét lại chiến lược.

“Mọi thứ hiện tại đều phải chờ đợi và xem xét”, ông nói. “Môi trường quốc tế rất bất ổn, đây không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định nhanh chóng”.

“Nếu Việt Nam và Mỹ không đạt được thỏa thuận về thuế quan, tôi sẽ phải mất lợi nhuận để tiếp tục sản xuất. Mặc dù thuế quan hiện không có khả năng hủy diệt doanh nghiệp của tôi, nhưng tôi vẫn chưa chắc nên chọn nơi nào làm điểm đến nước ngoài tiếp theo”, ông nói thêm.

“Nhưng có một điều rõ ràng: nhà máy tương lai của tôi sẽ không đặt tại Mỹ, nơi chi phí lao động rất cao”.

Theo:

https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3305625/chinese-factories-vietnam-hammered-us-tariffs-where-can-i-go-now