VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các nước Trung Đông dự kiến thu 1,3 nghìn tỷ USD từ dầu mỏ

Các nước Trung Đông dự kiến thu 1,3 nghìn tỷ USD từ dầu mỏ

18:58 - 20/08/2022

Khoản lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ sẽ tăng cường sức mạnh cho các quỹ tài sản nhà nước, thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nước Trung Đông dự kiến ​​thu về thêm 1,3 nghìn tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong vòng 4 năm tới, có thể giúp tăng cường sức mạnh của các quỹ tài sản nhà nước trong khu vực vào thời điểm giá tài sản toàn cầu đang xuống thấp.

Dự báo của IMF cho thấy lợi thế mà mức giá năng lượng cao do chiến tranh ở Ukraine mang lại cho những chế độ quân chủ chuyên chế ở Vùng Vịnh, trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới phải vật lộn với lạm phát tăng vọt và nguy cơ suy thoái.

Jihad Azour – giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Bắc Phi – nói với tờ Financial Times rằng so với kỳ vọng trước cuộc chiến ở Ukraine, các nhà xuất khẩu dầu khí của khu vực, đặc biệt là các nước vùng Vịnh, “sẽ ghi nhận tổng doanh thu bổ sung từ dầu là 1,3 tỷ USD cho đến năm 2026”.

Kinh tế Ả Rập Xê Út dự kiến tăng trưởng 7,6% trong năm nay – nhanh nhất trong một thập kỷ.

Kinh tế Ả Rập Xê Út dự kiến tăng trưởng 7,6% trong năm nay – nhanh nhất trong một thập kỷ.

Vùng Vịnh là nơi có một số nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và các quỹ tài sản nhà nước khổng lồ, bao gồm Quỹ đầu tư công của Ả Rập Xê Út (PIF), Cơ quan đầu tư Qatar, các quỹ của Abu Dhabi và Cơ quan đầu tư Kuwait. Trong đó, quỹ PIF, do Thái tử Mohammed bin Salman làm chủ tịch, đầu tư hơn 7,5 tỷ USD vào cổ phiếu ở Mỹ trong quý II, bao gồm Amazon, Paypal và BlackRock, nhằm tận dụng giá cổ phiếu thấp, theo hồ sơ thị trường.

Các quỹ đầu tư nhà nước vùng Vịnh cũng hoạt động tích cực trong thời kỳ đại dịch, tìm cách tận dụng sự biến động của thị trường do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, họ tận dụng tình hình hỗn loạn để mua cổ phần trong các công ty phương Tây gặp khó khăn.

Trong những năm gần đây, nhiều quỹ đã tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ, y tế, sinh học và năng lượng sạch khi các chính phủ tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển những ngành công nghiệp mới.

Theo truyền thống, sức khỏe của nền kinh tế các nước vùng Vịnh đi theo sự biến động của giá dầu; trong khi chi tiêu chính phủ, được thúc đẩy bởi doanh thu dầu, là động lực chính của hoạt động kinh tế. Kết quả là nền kinh tế khá bất ổn, với những cuộc suy thoái theo sau những đợt bùng nổ. Sau nhiều năm tăng trưởng chậm trên khắp khu vực khiến các chính phủ phải tăng cường đi vay, sử dụng nguồn tài chính dự trữ và làm chậm các dự án nhà nước, nguồn lợi khổng lồ từ dầu mỏ đang trở lại.

Ả Rập Xê Út – nước xuất khẩu dầu mỏ số một thế giới và nền kinh tế lớn nhất khu vực – đang chi tiêu mạnh tay thông qua quỹ PIF, quỹ này được giao nhiệm vụ phát triển một loạt các siêu dự án nhằm hiện đại hóa vương quốc trong khi tìm kiếm các khoản đầu tư ra nước ngoài. PIF ​​sẽ là một trong những đơn vị hưởng lợi chính từ đợt bùng nổ giá dầu khi Ả Rập Xê Út dự kiến thặng dư ngân sách 5,5% GDP trong năm nay – mức thặng dư đầu tiên kể từ năm 2013 – và dự báo tăng trưởng kinh tế 7,6%, tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, bao gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman, sẽ tăng tốc từ 2,7% năm 2021 lên 6,4% trong năm nay.