VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các quỹ đầu tư tư nhân ở Việt Nam lo ngại tác động của chiến tranh Nga – Ukraine

Các quỹ đầu tư tư nhân ở Việt Nam lo ngại tác động của chiến tranh Nga – Ukraine

11:59 - 22/03/2022

Quy trình định giá của các quỹ cổ phần tư nhân (PE) ở Việt Nam có thể bị gián đoạn do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Nhưng nhìn chung, các quỹ này vẫn đánh giá tích cực triển vọng dài hạn ở Việt Nam.

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine có thể làm gián đoạn quy trình định giá của các nhà đầu tư cổ phần tư nhân (PE) ngay khi ngành này đang dần quay trở lại bình thường sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

“Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi những thách thức do đại dịch gây ra, và hiện nay căng thẳng đang leo thang ở châu Âu. Các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng đang chứng kiến chi phí tăng vọt và kế hoạch kinh doanh bị gián đoạn”, ông Hoàng Xuân Chính của Excelsior Capital Vietnam Partners cho biết.

“Việc định giá cũng thường dựa trên những dự đoán tương lai. Vì vậy, sự biến động hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cách định giá một doanh nghiệp”, ông nói thêm.

Trong khi đó, áp lực lạm phát có thể tác động mạnh đến lĩnh vực tiêu dùng.

Giá xăng dầu ở Việt Nam tăng mạnh một phần do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Giá xăng dầu ở Việt Nam tăng mạnh một phần do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

“Giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam đã tăng gần 20% so với đầu năm”, Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital, viết trong một ghi chú. Ông dự đoán rằng giá xăng dầu có thể tăng thêm 30% nữa trong những tháng tới. “Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi ước tính rằng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm”.

Ông Kokalari dự đoán lạm phát của Việt Nam trong năm nay có thể vào khoảng 3%. Trước đó, ông đã viết trong một bản cập nhật của VinaCapital rằng nếu lạm phát lên tới 4%, tiêu dùng trong nước sẽ bị tác động mạnh. Điều đó có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam 1 điểm phần trăm xuống 6,5% trong năm 2022.

Ông Phạm Lê Nhật Quang, giám đốc tại Crescent Point, một công ty PE khu vực chuyên nghiên cứu các ngành tập trung vào người tiêu dùng ở Việt Nam như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng nhanh, logistics và du lịch, cho biết rằng các doanh nghiệp sẽ cảm nhận thấy “tiêu cực trong ngắn hạn”.

“Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ gặp nhiều áp lực vì phần lớn lúa mì và ngô – nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi – phải nhập khẩu, trong khi Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu phân bón, lúa mì và ngô lớn trên thế giới. Chủ đầu tư trong nước sẽ gặp khó khăn với những công trình đang xây dựng trong khi giá bán đã được ấn định cho người mua nhà”, ông Quang đưa ra một số ví dụ. Đồng thời, ông nhắc đến chi phí logistic đang tăng và ngành du lịch cần thời gian phục hồi lâu hơn.

Xuất khẩu điện thoại di động và hàng điện tử của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp chính của niken, krypton, nhôm và paladi, những nguyên liệu quan trọng để sản xuất chất bán dẫn. Đây là thông tin trong một ghi chú viết bởi Murray Hiebert, cộng sự cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Lo ngại của các quỹ PE

Đối với ông Quang, mối quan tâm ngắn hạn chính là về sự ổn định của hệ thống ngân hàng. “Nợ xấu đã cao tới 8,2%, bao gồm cả các khoản cho vay được cơ cấu lại theo kế hoạch đối phó với Covid-19”, ông cho biết. “Điều đó cùng với nguy cơ lạm phát cao có thể khiến hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn”.

Nhiều quỹ PE lo ngại về tiềm năng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Nhiều quỹ PE lo ngại về tiềm năng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Đáng chú ý, lĩnh vực công nghệ – thường miễn nhiễm hơn với các diễn biến vĩ mô – vẫn không được nhiều nhà đầu tư PE ưa thích.

Ngay cả khi không gian kỹ thuật số đã được “thúc đẩy bởi nhu cầu” trong 18-24 tháng qua, giám đốc đầu tư của VinaCapital Andy Ho cho biết trong bản cập nhật rằng công ty không tích cực theo đuổi tài sản trong lĩnh vực này. “Họ có đang kiếm tiền không? Tôi thực sự khó thấy được lợi nhuận cho các doanh nghiệp này”.

“Mọi doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ, nhưng Excelsior không đầu tư vào mô hình kỹ thuật số thuần túy”, ông Chính của Excelsior nói, giải thích rằng hầu hết các nền tảng công nghệ vẫn đang đốt tiền mặt. “Vì vậy, một thách thức lớn đối với nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng là không thể chắc chắn khi nào trò chơi kết thúc, để có thể định giá tài sản một cách chính xác và tính đến kỳ vọng lợi suất của chúng tôi”, ông nói.

Theo ông Chính, sự quan tâm ngày càng cao đối với các công ty sử dụng công nghệ đòi hỏi phải có nguồn nhân tài lớn. Điều này dẫn đến một thách thức khác là việc thiếu nguồn nhân lực có thể ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh.

Nhu cầu công nghệ thúc đẩy định giá trong lĩnh vực này lên mức đắt đỏ. Nhưng đây không phải là lĩnh vực duy nhất gây lo lắng về định giá.

Ông Chính cho rằng kỳ vọng định giá trong các doanh nghiệp truyền thống đôi khi bị bóp méo. “Nhiều công ty sử dụng thị trường đại chúng làm tiêu chuẩn, và thị trường chứng khoán trong nước rất tốt trong 2 năm qua”, ông nói. “Các doanh nhân có xu hướng đánh giá bản thân qua một doanh nghiệp niêm yết tương tự mà không nhận thức được chiết khấu thanh khoản (chênh lệch giữa giá trị của những tài sản có mức thanh khoản khác nhau). Cần có thời gian để khiến họ nhận ra”.

Lạc quan về dài hạn

Bất chấp sự gián đoạn ngắn hạn, các quỹ PE trong nước vẫn lạc quan về dài hạn.

“Đối với chúng tôi, không chỉ định giá mà còn là khả năng cạnh tranh dài hạn của doanh nghiệp mà chúng tôi xem xét để quyết định đầu tư vào. Chúng tôi mong muốn sẽ tiêu vài trăm triệu USD trong nước trong những năm tới”, ông Quang của Cresecent Point tiết lộ.

Các quỹ PE vẫn lạc quan về tiềm năng đầu tư dài hạn ở thị trường Việt Nam.

Các quỹ PE vẫn lạc quan về tiềm năng đầu tư dài hạn ở thị trường Việt Nam.

Ông Ho của VinaCapital cho biết chiến lược của quỹ này chủ yếu là đầu tư vào các doanh nghiệp trước khi niêm yết cổ phiếu. Công ty sẽ tiếp tục xem xét các khu chế xuất công nghiệp, chi tiêu của người tiêu dùng vào những dịch vụ như địa điểm tổ chức đám cưới và khu nghỉ dưỡng để khai thác nhu cầu phục hồi sau Covid-19.

Về lợi nhuận, đợt thoái vốn mới nhất của VinaCapital khỏi công ty sản xuất gỗ An Cường tạo ra tỷ suất sinh lời nội tại (IRR) 23% và bội số 3,5 lần. An Cường trở thành công ty đại chúng vào tháng 8/2021 và VinaCapital đã thoái vốn một phần.

Các nhà đầu tư thường kỳ vọng một thị trường như Việt Nam sẽ mang lại bội số 3-5 lần và IRR vào khoảng 20-30%, ông Chính nói thêm.

Đối với một số nhà quản lý PE khu vực vốn nắm giữ tài sản ở nhiều thị trường, lợi nhuận từ các khoản đầu tư tại Việt Nam có thể không tốt như mong đợi. Ông Brahmal Vasudevan – CEO của Creador – từng nói rằng sẽ mất một thời gian để chứng kiến ​​hiệu suất vượt trội ở thị trường Việt Nam, do mức độ trưởng thành thấp hơn của lĩnh vực PE tại đây.

“Đó là một thách thức đối với các quỹ khu vực không chuyên hoạt động tại Việt Nam”, ông Chính khẳng định và nói rằng PE đầu tư vào Việt Nam đòi hỏi có quan hệ chặt chẽ và “khả năng theo sát” để mọi thứ hoạt động hiệu quả.