VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Các ứng dụng gọi xe tung chính sách giữ chân tài xế

Các ứng dụng gọi xe tung chính sách giữ chân tài xế

10:50 - 13/06/2022

Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, các ứng dụng gọi xe, hãng xe phải tăng giá cước, tăng ưu đãi để giữ chân lực lượng tài xế.

Theo Bộ Công Thương, thị trường đặt xe trực tuyến tại Việt Nam ước đạt doanh thu 2,4 tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm kể từ năm 2015.

Sau Covid-19, nhu cầu đi lại và vận chuyển của mọi người bắt đầu phục hồi. Vì vậy, không chỉ đẩy mạnh các chương trình ưu đãi để thu hút người dùng, giành thị phần, các hãng cũng tăng cường những chính sách hỗ trợ, thưởng cho tài xế để duy trì lực lượng lao động ổn định.

Nhu cầu đi lại nhộn nhịp trở lại của người dân mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường taxi truyền thống và xe công nghệ. Chia sẻ với Zing, đại diện các hãng xe đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng số chuyến rất ấn tượng.

Nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh sau đại dịch.

Nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh sau đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cải thiện doanh thu và cố gắng có lãi, các hãng xe vẫn phải đối mặt với bài toán nhân sự trong bối cảnh giá nhiên liệu đã lên mức lịch sử.

Để bù đắp chi phí, cả xe công nghệ và taxi truyền thống đều tăng giá cước. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến hết ngày 16/3, có 15 hãng taxi và 13 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định xin đăng ký lại giá cước. Tương tự, cả 3 ứng dụng Grab, Gojek và Be cũng đồng loạt tăng giá dịch vụ đặt xe 2 bánh và 4 bánh. Tuy vậy, mức tăng này khó theo kịp xu hướng tăng của giá nhiên liệu.

Tính đến thời điểm hiện tại, các lái xe đang phải trả 30.230 đồng/lít xăng E5 RON 92 hoặc 31.370 đồng/lít đối với xăng RON 95. Giá xăng cao ăn vào thu nhập của tài xế, buộc một số người phải tìm kiếm công việc khác hoặc giảm tần suất hoạt động so với thường lệ. Dù cho biết có lực lượng tài xế đông đảo nhưng một số công ty vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vấn đề này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung tài xế vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Bên cạnh việc tăng giá cước, các hãng xe phải tung ra hàng loạt chính sách hỗ trợ, thưởng nóng để giữ chân và ổn định tâm lý người lao động.

Theo ông Tạ Long Hỷ – Tổng giám đốc Vinasun – người lái xe luôn sẵn sàng gắn bó lâu dài với công việc nếu thu nhập đảm bảo. Điều kiện doanh thu tốt sẽ giúp người lái xe giảm thiểu tác động trước mắt của giá xăng dầu. “Hiện tại, Vinasun chưa tăng cước và đang còng lưng gánh các loại chi phí. Để tài xế yên tâm làm việc, chúng tôi còn hỗ trợ tiền xăng tuỳ theo loại xe, có thể hỗ trợ 1%, 2%, 3% thậm chí 3,5% doanh thu”, ông cho biết.

Gojek cũng thường xuyên triển khai các chương trình phúc lợi cho tài xế. Tài xế có hiệu suất hoạt động càng tốt thì càng nhận được nhiều chính sách hỗ trợ. Gần đây nhất, ứng dụng này đã gửi cho các đối tác một phiếu xăng điện tử có giá trị tương ứng với mức xếp hạng hoạt động. Ưu đãi sẽ được duy trì liên tục trong 3 tháng cho đến kỳ xét duyệt xếp hạng tiếp theo. Đồng thời, Gojek mang đến một số quyền lợi khác như mua bảo hiểm sức khỏe với giá ưu đãi, tặng phụ kiện, cho vay tiêu dùng tài chính, mua xe trả góp …

Grab tung ra một số chương trình thưởng ngọc và thưởng doanh thu cho những chuyến xe có điểm đón ở xa hoặc trong giờ cao điểm nhằm khuyến khích tài xế tích cực hoạt động. Về phía người dùng, ứng dụng triển khai hàng loạt ưu đãi, khuyến mại để kích cầu, từ đó gia tăng các chuyến xe cho đối tác.

Be cũng triển khai nhiều chương trình thúc đẩy doanh thu của đối tác như “Lái nhiều thưởng cao”. Theo đó, tài xế sẽ tích lũy điểm sau mỗi chuyến xe hoàn thành và quy đổi thành tiền thưởng. Ứng dụng cũng hỗ trợ chi phí đón khách ở xa, áp dụng cho các chuyến xe có quãng đường đón khách từ 2 km trở lên. Ngoài ra, các tài xế Be thân thiết, có hiệu suất hoạt động tốt sẽ được nhận thêm tiền thưởng.