VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Các ứng dụng Việt chia lại “miếng bánh” gọi xe công nghệ

Các ứng dụng Việt chia lại “miếng bánh” gọi xe công nghệ

10:23 - 21/06/2024

Thị phần khách hàng trung thành của Gojek bị Xanh SM và các đối thủ như Grab, Be chiếm lấy. Trong 2 năm, thị phần của Gojek bị thu hẹp từ 30% xuống còn 7%.

Công ty nghiên cứu Q&Me vừa công bố báo cáo tình hình sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát dựa trên câu trả lời từ các người dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM có thói quen đặt xe công nghệ ít nhất một lần mỗi tuần.

Cụ thể, khoảng 76% người tham gia khảo sát tiết lộ thường xuyên đặt dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Thậm chí, 100% người dùng tham gia khảo sát sử dụng dịch vụ này tối thiểu một lần trong 3 tháng gần nhất.

Ngoài “xe ôm” công nghệ, dịch vụ giao đồ ăn cũng được đón nhận với 20% khách hàng thường xuyên sử dụng, phần lớn là nữ giới.

Mặt khác, chỉ có 3% người tham gia khảo sát thường xuyên gọi ô tô công nghệ. Số lượng người từng dùng dịch vụ ô tô công nghệ trong 3 tháng gần đây cũng tương đối hạn chế, khoảng 42%.

Trong các lý do lựa chọn di chuyển bằng xe công nghệ, ăn uống là dịp phổ biến nhất. Người Việt có xu hướng chọn xe máy cho hoạt động đi lại thường ngày còn ô tô công nghệ được ưu tiên để di chuyển ra sân bay, bến xe hay các sự kiện quan trọng.

Trong tâm trí người Việt, Grab, Be, Gojek và Xanh SM là những thương hiệu hàng đầu.

Đáng chú ý, Xanh SM là tay chơi mới có mặt trên thị trường xe công nghệ vào đầu năm 2023. Dẫu vậy, tính đến cuối năm 2023, hãng đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ôtô và 15.000 xe máy điện cùng gần 40.000 nhân sự.

Nhờ xây dựng đội xe hùng hậu với tốc độ nhanh chóng, thị phần người dùng trung thành của Xanh SM đã bứt phá lên 19%, cao gấp đôi đối thủ có 6 năm kinh nghiệm tại Việt Nam là Gojek (7%).

Con số này phần nào phản ánh sự thất thế của hãng gọi xe đến từ Indonesia. Theo một khảo sát của Q&Me vào năm 2022, thị phần người dùng trung thành của Gojek từng chiếm tới 30% và chỉ đứng sau Grab.

Tại báo cáo năm nay, Grab và Be là 2 ông lớn gọi xe công nghệ xếp trên Xanh SM, nắm lần lượt 42% và 32% thị phần người dùng trung thành.

Dễ dàng đặt chỗ, khuyến mãi hấp dẫn và giá cả cạnh tranh là 3 lý do hàng đầu khiến người dùng ưu tiên “xe ôm” công nghệ.

Nhìn chung, ngân sách chi tiêu cho dịch vụ gọi xe di chuyển trên các ứng dụng chiếm khoảng 40%, khoảng 80% số đó là chi cho dịch vụ di chuyển bằng xe máy.

Điển hình, người dùng bỏ ra tổng cộng 947.000 đồng cho các dịch vụ trên ứng dụng Be, cao nhất trong nhóm ứng dụng gọi xe dẫn đầu thị trường. Ngân sách dành riêng cho dịch vụ gọi xe (xe máy, ôtô) là 474.000 đồng, trong đó dịch vụ xe 2 bánh chiếm 398.000 đồng.

Q&Me cũng cho biết có khoảng 19% đáp viên mong muốn gia ​tăng tần suất sử dụng ứng dụng gọi xe vì sự thuận tiện và giá cả phải chăng. Trái lại, 9% người dùng dự định giảm tần suất sử dụng do ưu tiên phương tiện cá nhân và tiết kiệm chi tiêu.

Theo: https://znews.vn/cac-ung-dung-viet-chia-lai-mieng-banh-goi-xe-cong-nghe-post1481849.html