VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Cách Ferrari thống trị thị trường xe hơi sang trọng

Cách Ferrari thống trị thị trường xe hơi sang trọng

15:43 - 24/02/2025

Bằng cách chỉ bán một số mẫu xe sang trọng nhất cho những khách hàng thân thiết, Ferrari trở thành hãng ô tô có giá trị vốn hóa cao nhất ở châu Âu.

Với giá niêm yết 3,7 triệu USD, hypercar (siêu xe hiệu suất cao) mới của Ferrari được công bố vào tháng 10 với một điều bất ngờ: Nó không được bán.

Tất cả 799 chiếc F80 – mẫu xe sản xuất hàng loạt đắt nhất trong lịch sử Ferrari – đã được hứa hẹn cho những khách hàng hàng đầu như Luc Poirier.

Doanh nhân bất động sản ở Montreal này đã sở hữu 42 chiếc Ferrari. Ông cho biết ông cảm thấy “may mắn” khi được mua thêm một chiếc nữa. “Được Ferrari chọn cho một trong những siêu xe của họ là một cột mốc thực sự đối với bất kỳ nhà sưu tập nào”, ông nói.

Tiền không đủ để mua một chiếc Ferrari hàng đầu. Bạn cần phải có mối quan hệ lâu dài với công ty.

Bằng cách tận dụng sự hâm mộ cuồng nhiệt của các khách hàng thông qua mô hình kinh doanh dựa trên sự siêu khan hiếm, công ty Ý lâu đời này đang tận hưởng một kỷ nguyên vàng mới. Sau khi giá cổ phiếu tăng gần gấp 10 lần kể từ khi IPO cách đây 10 năm, Ferrari hiện có giá trị vốn hóa 90 tỷ USD, là công ty ô tô có giá trị nhất ở châu Âu – mặc dù chỉ giao 13.752 xe trong năm ngoái.

Volkswagen – dù bán được hơn 9 triệu xe năm ngoái – có vốn hóa thị trường chỉ bằng hơn một nửa. Hầu hết ngành công nghiệp ô tô của châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi thị trường nội địa yếu, quá trình chuyển đổi tốn kém sang xe điện và sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Siêu xe Ferrari F80 mới. Ảnh: Wall Street Journal.

Siêu xe Ferrari F80 mới. Ảnh: Wall Street Journal.

Giống như Tesla – hãng ô tô có vốn hóa cao nhất ở Mỹ vì được định giá như một công ty công nghệ – Ferrari đạt được vị trí tương tự ở châu Âu nhờ những điểm tương đồng với các nhà sản xuất túi xách xa xỉ của Pháp.

“Chúng tôi không phải một công ty ô tô”, CEO Benedetto Vigna cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại trụ sở của Ferrari ở Maranello, thành phố miền bắc nước Ý. “Chúng tôi là một công ty hàng xa xỉ cũng sản xuất ô tô”.

Vào thời điểm Ferrari IPO năm 2015, nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ rằng mô hình kinh doanh hàng xa xỉ sẽ phù hợp với một nhà sản xuất ô tô.

Cựu CEO Sergio Marchionne từng so sánh Ferrari với Hermès. Nhà mốt Pháp này đã hạn chế nguồn cung túi xách Birkin, dẫn đến danh sách chờ dài tại các cửa hàng và thị trường bán lại khổng lồ. Khách hàng mua các đồ Hermès khác để có vị trí cao hơn trong danh sách.

Sự thành công của Ferrari đã làm giàu cho con trai của người sáng lập Enzo Ferrari, Piero Ferrari, và gia đình Agnelli kiểm soát Ferrari thông qua Fiat. Cổ phần của họ hiện có giá trị hàng tỷ USD.

Một nhóm khác cũng hưởng lợi từ việc đầu tư vào Ferrari: nhà sưu tập xe. Hầu hết ô tô là tài sản mất giá, nhưng giá trị của những chiếc Ferrari hiếm đã tăng vọt trong vài năm gần đây.

Một hypercar Ferrari LaFerrari thế hệ trước được bảo quản tốt có giá 3,8 triệu USD. Khi mẫu xe này được công bố vào năm 2013, với số lượng sản xuất 499 chiếc, giá niêm yết trước các tùy chọn là 1,4 triệu USD.

Chơi trò chơi của Ferrari

Bất kỳ ai có đủ tiền đều có thể mua được một chiếc Ferrari thường miễn là họ sẵn sàng chờ vài năm. Mặc dù các mẫu xe tiêu chuẩn không bị giới hạn số đợt sản xuất, nhưng công ty vẫn sống theo phương châm của Enzo Ferrari về sự khan hiếm: “Ferrari sẽ luôn giao ít hơn một chiếc xe so với nhu cầu của thị trường”.

Những chiếc Ferrari phiên bản giới hạn như LaFerrari hay Icona thậm chí còn khan hiếm hơn. Các nhà sưu tập phải mua trung bình 10 chiếc Ferrari trước khi đạt điều kiện mua một chiếc Ferrari đó. Những mẫu xe này giúp duy trì đơn hàng cho toàn dải sản phẩm của công ty dù chúng chỉ chiếm 7% lượng xe được giao vào năm ngoái.

Ferrari giới thiệu mẫu LaFerrari vào năm 2013. Ảnh: Wall Street Journal.

Ferrari giới thiệu mẫu LaFerrari vào năm 2013. Ảnh: Wall Street Journal.

Ferrari cho biết việc lọt vào danh sách không chỉ là vấn đề số lượng xe trong gara. “Điều chúng tôi cố gắng đo lường là: Bạn tương tác như thế nào với Ferrari?”, theo Enrico Galliera, giám đốc thương mại lâu năm của công ty.

Hơn một thập kỷ trước, khi Ferrari bắt đầu bán LaFerrari, họ bắt tay vào lập hệ thống phân cấp khách hàng chính thức tập trung.

Trước đây, các đại lý được quyền chọn khách hàng nào được mua xe nào – một hệ thống có thể bị lạm dụng để thưởng cho bạn bè và gia đình.

Ông Galliera nhận thấy rằng một số nhà sưu tập chưa mua xe gần đây có tên trong danh sách tiềm năng. Điều đó dẫn đến quy tắc đầu tiên: Để có một chiếc LaFerrari, khách hàng cần phải mua một chiếc Ferrari trong vòng 3 năm gần nhất, cũng như sở hữu một số lượng xe nhất định.

Kể từ đó, thuật toán đã trở nên tinh vi hơn, bao gồm các sự kiện mà khách hàng tham dự, liệu họ có tham gia chương trình đua xe của Ferrari hay không, liệu họ có phục chế các mẫu xe cổ trong xưởng xe cổ của công ty hay không, và nhiều biến số khác.

“Chúng tôi theo dõi mọi thứ”, ông Galliera nói.

Nhà sưu tập Luc Poirier trong gara dành cho 42 chiếc Ferrari của mình. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhà sưu tập Luc Poirier trong gara dành cho 42 chiếc Ferrari của mình. Ảnh: Wall Street Journal.

Một số người hâm mộ trước đây của công ty đã chán chơi trò chơi này.

Jan Otto – đã mua chiếc Ferrari đầu tiên vào thập niên 1980 – chán nản khi ông không “lên được nấc thang” để sở hữu Ferrari Enzo, hypercar ra đời trước LaFerrari. Ông hiện không còn sở hữu xe Ferrari nữa.

Những người khác sẵn sàng mua các mẫu xe tiêu chuẩn để tiếp tục được mời mua các mẫu giới hạn.

Roberto de Silvestri, một nhà sưu tập tại Monaco, cho biết ông mua những chiếc Ferrari tiêu chuẩn để lái quanh nhà. Sau đó, ông thường đổi chúng lấy những mẫu xe hiếm hơn để lái tại các sự kiện chỉ dành cho khách mời.

Theo: https://www.wsj.com/articles/the-wild-economics-behind-ferraris-domination-of-the-luxury-car-market-8427dff0?mod=hp_lead_pos7